Xuất khẩu gỗ nỗ lực vượt khó
Gỗ xuất khẩu vẫn đối mặt nhiều nút thắt |
Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh
2023 là một năm khó khăn với ngành gỗ khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ và EU giảm mạnh, dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.
“Có thể khẳng định khó khăn với ngành gỗ năm vừa qua là rất lớn, trong hơn 20 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của ngành liên tục lập đỉnh mới nhưng năm 2023 lại đi xuống”, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD trong khi mục tiêu đặt ra là 16-17 tỷ USD.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm Việt (Bình Dương) cho biết, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của công ty năm 2023 chỉ bằng khoảng 80% so với năm 2022.
Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu gỗ tương đối tốt. Bởi theo Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, đa phần các doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương có kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2023 chỉ bằng khoảng 50-60% so với năm 2022.
Cần bảo đảm nguồn cung nguyên liệu vững chắc, giảm thiểu nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên |
Năm 2024, theo dự báo của những trung tâm mua hàng lớn, tình hình thế giới vẫn bất định, kinh tế hồi phục nhưng vẫn còn chậm. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu gỗ dự báo chỉ phục hồi nhẹ.
Trong bối cảnh đó, theo ông Đỗ Xuân Lập, để thúc đẩy tăng trưởng doanh số xuất khẩu cũng như tạo việc làm cho người lao động, ngành gỗ cần phải tạo dựng được hình ảnh phát triển bền vững dựa trên việc sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Hiện nay, Việt Nam đang nhập khoảng 1-1,3 triệu m3/năm gỗ rừng trồng tự nhiên ở những vùng có rủi ro cao như Lào, Campuchia và Châu Phi. Theo đó, cần phải nỗ lực giảm nhập khẩu gỗ, đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trong nước. Cụ thể, cần đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng cây gỗ lớn, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu vững chắc, giảm thiểu nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh về năng lực sản xuất, chuyển đổi số, năng lực quản trị… để nâng cao giá trị gia tăng cũng như năng suất.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cũng cần được quan tâm hơn. “Nếu chúng ta không xây dựng được tốt thị trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu. Hiệp hội sẽ tổ chức một loạt sự kiện vào tháng 3 tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Định. Đặc biệt, ngành gỗ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham gia nhiều hội nghị giao ban ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề mở văn phòng, kho hàng và các công ty tại các trung tâm mua hàng lớn tại thị trường EU và đặc biệt là thị trường Mỹ”, ông Lập cho biết.
Chủ động điều chỉnh để tiếp cận khách hàng
Theo Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, tới thời điểm này thì các quy định mới về chống phá rừng (EUDR) chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp Bình Dương.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp gỗ cần nhanh chóng tiếp cận và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, bắt đầu từ chuyển đổi số. Do vậy, thời gian tới, Bình Dương sẽ chọn một số nhà máy đã chuyển đổi số thành công để xây dựng mô hình điểm và nhân rộng. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đơn hàng”, đại diện Hiệp hội cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Liêm cho biết, công ty Lâm Việt đã xây dựng phần mềm quản trị cách đây 11 năm và hàng năm công ty có cải tiến thêm về thiết bị bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Hiện công ty đang khẩn trương bắt tay vào quá trình chuyển đổi xanh.
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ trong việc xây dựng chính sách xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Việt Nam đã ký với Liên minh Châu Âu quy định về thực thi pháp luật và thương mại về thực thi quản trị rừng và thương mại lâm sản. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh về cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, quy định mới của EU về xuất khẩu các sản phẩm không gây mất rừng sẽ có những yêu cầu mới và đòi hỏi phải cập nhật và bổ sung.
Đối với ngành lâm nghiệp, sau khi Liên minh Châu Âu và dự kiến trong quý I sẽ có hướng dẫn cụ thể về quy định truy xuất nguồn gốc, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp cận các tài liệu này nhanh chóng để ban hành các hướng dẫn cụ thể đến tận chủ rừng, người dân và các doanh nghiệp, cùng các bên liên quan.
“Chúng tôi sẽ xây dựng các vùng thí điểm, có thể truy xuất nguồn gốc bằng các tọa độ địa lý và sau đó trên cơ sở các nguồn lực của địa phương, nguồn lực Trung ương và các doanh nghiệp, sẽ đảm bảo là toàn bộ diện tích rừng trồng của Việt Nam có thể truy xuất được nguồn gốc”, ông Trần Quang Bảo chia sẻ.