Xuất khẩu lao động: Nhu cầu tăng, cơ hội lớn
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhất là các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số quốc gia châu Âu đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đẩy mạnh các hoạt động tuyển dụng.
Nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhất là các thị trường trọng điểm đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm. |
Ông Nguyễn Đình Thám - Phó Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long CMS, cho biết là một trong những công ty xuất khẩu lao động với hơn 20 năm kinh nghiệm cung ứng nhân lực cho thị trường quốc tế, Hoàng Long CMS đã đưa được trên 40.000 lao động ra nước ngoài làm việc ở các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Trải qua hơn 2 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu lao động đã hồi phục trở lại và nhu cầu tuyển dụng cũng tăng mạnh.
Theo ông Thám, hiện Nhật Bản là một trong những thị trường ngoài nước được nhiều lao động Việt Nam ưa thích do có điều kiện làm việc tốt, mức thu nhập ổn định. Trong nhiều năm qua, Hoàng Long CMS luôn là một trong những công ty xuất khẩu lao động sang Nhật Bản hàng đầu.
Mới đây công ty này vinh dự được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn là đơn vị tiêu biểu tham gia đoàn công tác tại Nhật Bản. Qua đó, công ty có cơ hội tăng cường giao lưu, hợp tác với các đối tác Nhật để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Tại thời điểm này, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng từ các đối tác Nhật Bản và đang đẩy mạnh tuyển sinh cũng như đào tạo nghề nhằm đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo đó, Hoàng Long CMS đã tích cực tham gia các hội chợ việc làm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm năm 2022 của Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Phiên giao dịch việc làm huyện Quan Hóa năm 2022, hay mới đây nhất là Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp quận Cầu Giấy năm 2022 tổ chức vào ngày 29/10/2022 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thông qua đó, công ty đã giới thiệu được nhiều ngành nghề có cơ hội làm việc tại nước ngoài.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu lao động, ông Lê Văn Hồng - Phó tổng giám đốc của JVNET, cho biết hiện thị trường Nhật Bản đã hồi phục và có nhu cầu tuyển dụng khá lớn với đủ các lĩnh vực, nghề nghiệp khá đa dạng. Chi phí xuất cảnh đang ở mức khá thấp, chỉ dao động từ 35 đến 50 triệu đồng, trong khi đó mức thu nhập khá cao từ 25 đến 45 triệu đồng/tháng, tùy từng công việc, trình độ. Để đáp ứng cho các đơn hàng cuối năm, công ty đang tập trung cao độ tuyển nguồn lao động.
Có thể thấy, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã hồi phục mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản luôn chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Từ đầu năm đến nay, Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu về số lượng lao động Việt Nam được tiếp nhận, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng trong lĩnh vực hợp tác về lao động đối với Việt Nam. Đến nay, đã có trên 370 ngàn thực tập sinh trong tổng số gần 500 ngàn người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.
Mới đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội NAGOMi, Cố vấn cao cấp Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt. Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan tới chương trình hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng. Bộ trưởng mong muốn phía Nhật Bản mở rộng ngành nghề, số lượng tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, lao động Việt Nam như các lĩnh vực phục vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe, bảo dưỡng/vệ sinh toa tàu cao tốc Shinkansen, thi công, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị...
Bộ trưởng cũng đề nghị Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam như đang áp dụng cho một số nước phái cử khác; xem xét giảm thời gian phê duyệt hồ sơ, thủ tục cấp chứng nhận tư cách lưu trú, visa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lao động/thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản phải vượt lên một tầm mới, có thể hợp tác một cách toàn diện trên 3 lĩnh vực lớn: thực tập sinh và lao động đặc định; đào tạo nhân lực, hướng tới đào tạo chất lượng cao; phối hợp xây dựng lưới an sinh rộng lớn, bao gồm bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội...