Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh
Áp dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm |
Với lâm sản và thủy sản, cần cơ cấu lại thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam có sự thay đổi lớn, như năm 2022 chiếm 26,4% giá trị xuất khẩu nhưng hiện còn trên 20%; thị trường Trung Quốc thời điểm COVID-19 chiếm có 17% nay đã tăng 21%, ông Tiến cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chia sẻ, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới đang ở mức cao khi nhiều dự báo cho thấy, nửa cuối năm 2023 sẽ có sự gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia, Trung Quốc phải tăng cường kho dự trữ quốc gia. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ Đông Xuân, sản lượng và chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt.
Ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh cho biết, hiện nay công ty xuất khẩu đến vài ngàn tấn gạo/năm. Công ty đang tích cực làm việc với các địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu.
Bên cạnh gạo, xuất khẩu rau quả vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 81% trong tháng 5/2023 so với cùng kỳ năm trước, nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu kim ngạch 4 tỷ USD đặt ra cho năm nay. Đặc biệt, sầu riêng có nhiều cơ hội trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Trung Quốc vừa cấp thêm 47 mã số vùng trồng và 18 mã số cơ sở đóng gói cho sầu riêng Việt Nam. Cùng với đó, thời gian qua, xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng tốt như thanh long, chuối, mít, xoài, chanh leo... Báo cáo của cơ quan hải quan cho biết, riêng trong tháng 5, xuất khẩu rau quả đã đạt 466 triệu USD, tăng tới 19% so với tháng 4 và tăng gần 81% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến nay, giá trị xuất khẩu thanh long và sầu riêng đang chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành rau quả.
Theo ông Phùng Đức Tiến, trước biến động thị trường, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường xúc tiến thương mại với từng đối tượng ngành hàng, từng thị trường. Để đảm bảo mục tiêu kế hoạch năm 2023 về thủy sản, ngành nông nghiệp sẽ kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản trước diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường.
Để thực hiện mục tiêu đưa gạo Việt vào các thị trường lớn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, giá trị tương đương khoảng 2,62 tỷ USD. Quan điểm của chiến lược nêu rõ, xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường. Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, lấy năng suất, chất lượng là tiêu chí hàng đầu.
Với đà phát triển này thì dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến hết quý III sẽ bằng với quý III/2022 và sang quý IV/2023 có thể đẩy mạnh tăng trưởng. Cùng với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, ngành nông nghiệp sẽ về đích đạt 55 tỷ USD năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.