Xuất khẩu nông sản kỳ vọng hút vốn vay
Xúc tiến, quảng bá nông sản vào thị trường Quảng Đông Ngành nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược” |
Trong những tuần đầu của năm 2024, ngành Ngân hàng tại nhiều địa phương đã chủ động triển khai kế hoạch kinh doanh và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cho các chi nhánh, phòng giao dịch. Với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên – vùng có lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn thì lĩnh vực cho vay sản xuất, chế biến xuất khẩu nông sản luôn được các ngân hàng chú trọng.
Theo quan sát tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam, hiện các NHTM đang kỳ vọng dư nợ tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực sẽ có mức tăng trưởng cao trong các tháng đầu năm. Bởi hiện nay, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp khá lớn, trong khi đó, hoạt động xuất khẩu các ngành hàng như lúa gạo, cà phê, thủy sản, trái cây đều được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ |
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho vay của các TCTD tại địa phương này đạt khoảng hơn 103.840 tỷ đồng, tăng hơn 9.600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, riêng dư nợ cho vay ngành lúa gạo (thu mua, chế biến xuất khẩu) đạt 13.330 tỷ đồng (tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 18,2%), dư nợ cho vay nuôi, chế biến xuất khẩu thủy sản đạt hơn 12.990 tỷ đồng (tăng trên 1.000 tỷ đồng so với đầu năm 2023).
“Trong năm 2024, NHNN Đồng Tháp đã chỉ đạo hệ thống NHTM tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực thủy sản, đồng thời tập trung hỗ trợ tối đa nguồn vốn phục vụ xuất khẩu các ngành hàng chủ lực của địa phương (lúa gạo, cá tra, xoài…) và không giảm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp. Vì thế khả năng tăng trưởng vốn vay đối với lĩnh vực chế biến xuất khẩu nông sản, thủy sản sẽ tăng mạnh trong các tháng đầu năm”, ông Phong nhận định.
Cũng tại địa phương khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang cho biết, trong năm qua, hoạt động cho vay các nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong đó bao gồm cho vay doanh nghiệp xuất khẩu và cho vay nông nghiệp nông thôn được các ngân hàng tại Tiền Giang thúc đẩy khá mạnh. Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng cho vay các lĩnh vực ưu tiên đạt mức 12,31%, dư nợ chiếm tới gần 71,7% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn. Trong các tháng quý III/2023, các ngân hàng đã tổ chức kết nối và cho vay gần 3.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sầu riêng.
“Loại trái cây đặc sản này thời gian qua đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả. Ngoài ra, hiện nay Tiền Giang cũng phát triển mạnh các vùng chuyên canh thanh long với khoảng 8.600 ha. Vì thế tiềm năng tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu trái cây là khá lớn”, bà Đậm cho biết.
Tại Tây Nguyên, theo NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, niên vụ 2022-2023 vừa qua, doanh số và dư nợ cho vay ngành cà phê của các TCTD trên địa bàn đều đạt mức cao. Tổng dư nợ cho vay trồng mới, chăm sóc, thu mua, xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk năm 2023 đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 14%.
Vừa qua, UBND tỉnh này đã đề nghị ngành Ngân hàng địa phương tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các NHTM ưu tiên nguồn vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tái canh cà phê và mở rộng chế biến xuất khẩu. Đại diện NHNN chi nhánh Đắk Lắk cho biết, trong niên vụ 2023-2024, các ngân hàng sẽ dành khoảng 7.500 tỷ đồng để cho vay chế biến xuất khẩu cà phê. Căn cứ trên nhu cầu vay của doanh nghiệp và người dân, các TCTD sẽ nghiên cứu cân đối phân bổ thêm để ưu tiên cho vay.
Về phía các NHTM, theo kế hoạch của Agribank trong năm nay lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực sẽ tiếp tục được ngân hàng đầu tư nguồn vốn tín dụng lớn và áp dụng các ưu đãi lãi suất, nhất là lĩnh vực lúa gạo, thủy sản và trái cây.
Đại diện Agribank khu vực miền Tây Nam bộ cho biết, kết thúc năm 2023 vừa qua, hệ thống các chi nhánh tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã cho vay khoảng 29.300 tỷ đồng với gần 38.000 khách hàng chế biến xuất khẩu lúa gạo. Hiện các chi nhánh của ngân hàng này đều áp dụng chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu với quy mô 25.000 tỷ đồng, giảm tối đa 1% so với sàn lãi suất cho vay thông thường.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết sản xuất, trong năm nay Agribank sẽ quan tâm cho vay đối với các vùng nguyên liệu, trang trại lớn. Theo thống kê của Agribank, hiện nay cả khu vực ĐBSCL có trên 14.200 trang trại, nhu cầu vay vốn trang trải chi phí giống, cải tạo thâm canh vườn, ao, chuồng, trả công lao động khá lớn. Vì thế, chính sách cho vay tối đa 2 tỷ đồng/trang trại mà các chi nhánh Agribank đang áp dụng được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó, thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, tăng tính chủ động và cạnh tranh cho xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.