Xuất khẩu nông sản thích ứng với quy định mới
Có 4 nhóm nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là: ngũ cốc, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, trái cây có xu hướng tăng trưởng trong thời gian qua. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào nước này.
Theo đó, phía bạn đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch, cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Các DN xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần cập nhật các quy định mới |
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cho biết, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu. Đến nay, cục đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói.
Cùng với đó, phương thức đăng ký trực tuyến với Hải quan Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thiện được hồ sơ. Cộng với thời gian đăng ký còn rất ngắn, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam về thiết lập và quản lý vùng trồng.
Với hàng thủy sản, hiện Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống, khiến phải mất một thời gian khá dài chờ tại cảng. Cùng với đó, thời gian qua, số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thủy sản, ông Đạt cho biết thêm.
Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam - Bộ NN&PTNT (SPS), tuân thủ Luật An toàn thực phẩm và Luật An toàn sinh học, trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã có 42 thông báo liên quan đến những thay đổi về thực phẩm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và thực vật. Nếu như trước đây, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp thông qua đầu mối là Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại doanh nghiệp thì hiện nay, cơ quan này có thể xem xét, đánh giá hồ sơ trước, sau đó kiểm tra online.
Gần đây nhất, Bộ Nông nghiệp và nông thôn, Ủy ban Y tế quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc đã thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm.
Với Việt Nam, Trung Quốc hiện không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Doanh nghiệp cần thay đổi cả về nhận thức, lẫn cách tiếp cận trong xuất khẩu nông sản. Thêm nữa, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin từ các đầu mối như Văn phòng SPS Việt Nam, TS. Ngô Xuân Nam khuyến nghị.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh, Văn phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN&PTNT trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để thích ứng với Lệnh 248, 249 của Trung Quốc, triển khai các mô hình nông nghiệp tốt. Cùng với đó, tổ chức tập huấn các quy định, xây dựng hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường các nước xuất khẩu, cụ thể từng thị trường riêng lẻ, như EU, CPTPP, hay Đông Bắc Á, tránh những vướng mắc không đáng có về hàng rào kỹ thuật.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)