Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc: Đòi hỏi phải cải thiện chất lượng
10 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc ước đạt 7,5 tỷ USD, chiếm 19,3% thị phần, là thị trường lớn thứ 2 về giá trị của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Trong đó, rau quả là mặt hàng đóng góp lớn nhất (chiếm 23,4% tổng giá trị, đạt hơn 1,755 tỷ USD); sắn 862 triệu USD; thủy sản 858 triệu USD; hạt điều 507,8 triệu USD; gạo 458,5 triệu USD... Ông Phạm Sao Mai - Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Việt Nam nằm ở sát sườn Trung Quốc có lợi thế lớn nhất về vị trí địa lý cả ở đường bộ, đường biển và đường hàng không. Với ưu thế về địa lý nên vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn các nước và trong 10 đến 15 năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường lớn rất tiềm năng của nông sản Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Những năm trước đây, việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khá dễ dàng, chủ yếu theo nhu cầu thị trường, thuận mua vừa bán; ngoài hoạt động xuất khẩu chính ngạch còn phổ biến buôn bán tiểu ngạch. Thế nhưng, vài năm gần đây, phía Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và siết chặt buôn bán tiểu ngạch. Cụ thể như rau quả, chủ yếu là trái cây, vào năm 2018, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục là 2,78 tỷ USD nhưng sau đó sụt giảm, đến năm 2020 chỉ còn 1,84 tỷ USD do nước này siết chặt danh mục loại quả được nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam chỉ còn 8 loại là: thanh long, xoài, mít, vải, chôm chôm, dưa hấu, nhãn, chuối.
Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, thời gian gần đây, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và phương tiện nhập cảnh, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, gây ùn tắc tại cửa khẩu nhập khẩu, DN phát sinh thêm chi phí. Thị trường này đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói.
Mới đây, Trung Quốc tiếp tục ban hành lệnh 248 về đăng ký DN và lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ tiếp tục tác động đến các DN xuất khẩu Việt Nam. Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT), trong 10 tháng của năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, DN cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản; đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, số lô hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Để kịp thời hướng dẫn cho địa phương doanh nghiệp kịp thời nắm bắt quy định mới thì Ban chỉ đạo thị trường cần thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định mới của Trung Quốc, thường trực là Văn phòng SPS Việt Nam; ứng dụng đăng ký trực tuyến cho các DN; đẩy mạnh áp dụng kiểm tra chứng nhận xuất khẩu trực tuyến, chứng nhận ký số...
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, DN và người nông dân phải thay đổi nhận thức, chủ động nắm bắt thông tin để đáp ứng được những yêu cầu mới từ thị trường Trung Quốc đặt ra trong thời gian tới. Cần sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà còn phải hiểu cả thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào Trung Quốc như Thái Lan, Indonesia. Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng hành cùng DN, nông dân thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường lớn này.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Chánh Thu, trước đây, nông dân còn ỷ lại khi có thị trường Trung Quốc nên ít người chịu thay đổi để sản xuất theo tiêu chuẩn EU, Mỹ, Nhật Bản. Giờ Trung Quốc thay đổi thì nông dân bắt buộc phải thay đổi, tương lai Việt Nam sẽ có vùng nguyên liệu có thể xuất khẩu đi tất cả các nước vì tiêu chuẩn gần như tương đương. Hơn nữa, người tiêu dùng nội địa cũng hưởng lợi khi được sử dụng sản phẩm sạch hơn vì các vùng chuyên canh chủ yếu sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.