Xuất khẩu rau quả chế biến có nhiều tiềm năng
Trong quý I/2023, Nhà máy Doveco Sơn La, công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ được đưa vào vận hành, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hơn 2.400 tỷ đồng so với năm 2022. Đây là nhà máy thứ 3 của doanh nghiệp này, bên cạnh 2 trung tâm chế biến rau quả đặt tại Ninh Bình và Gia Lai. Doveco đã xây dựng được mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh xuất khẩu rau quả, nhờ đó, ngay cả khi thị trường khó khăn nhất bởi đại dịch, doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất đều đặn, tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Trước đó, các doanh nghiệp lớn trong nước như Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, Công ty CP Lavifood, Vina T&T... cũng đã xây dựng tổng cộng 8 nhà máy chế biến rau quả với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm, số vốn đầu tư lên đến 6.152 tỷ đồng… Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất chú trọng đầu tư vào hoạt động sản xuất, chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị cho mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021, nhưng điều đáng mừng là cơ cấu xuất khẩu có chuyển biến tích cực với tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng đáng kể. Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,32 tỷ USD; rau quả chế biến đạt 1,014 tỷ USD. Như vậy, năm 2022, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả chế biến vượt 1 tỷ USD, tạo “cú hích” để hoạt động đầu tư nhà máy chế biến và vùng trồng được quy hoạch bài bản, đạt chuẩn để sớm hướng tới mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên chế biến trái cây đóng hộp cho biết, thông thường phần lớn rau quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, thì nhóm sản phẩm rau quả chế biến lại đang tăng trưởng nhanh ở những thị trường xa, đặc biệt là EU và Mỹ.
Thực tế, trong vài năm trở lại đây do sự phát triển của công nghệ, tốc độ tăng trưởng của rau quả chế biến Việt Nam được cải thiện rõ rệt, điều này cho thấy các sản phẩm của Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính... và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là xu hướng được nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang lựa chọn.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 30 triệu tấn rau, quả, nhưng chỉ hơn 20% trong số này được chế biến, vì vậy đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng hiện nay, đây vẫn là khâu yếu của ngành nông nghiệp, vì đang thiếu vắng các cơ sở chế biến đủ khả năng, nên trong vụ thu hoạch, không ít sản phẩm không tiêu thụ kịp, nông dân phải đổ bỏ như thanh long, dưa hấu, cà rốt…
Hiện, cả nước mới có 153 cơ sở chế biến rau - củ - quả, trong khi nhu cầu chế biến là hơn 30 triệu tấn/năm. Do đó, cần tăng cường đầu tư nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu đạt chuẩn, khép kín thành chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đón bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường thế giới.
Tín hiệu tích cực là những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, đảm bảo sản phẩm chế biến đáp ứng được các thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ, EU. Hiệu quả của hoạt động này là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả chế biến đã tăng liên tục và đang trở thành xu hướng tất yếu, gia tăng giá trị cho hàng hóa nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đưa rau quả sớm gia nhập các ngành hàng có giá trị xuất khẩu chạm mốc 8-10 tỷ USD/năm. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên, công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020… Để có được mức tăng trưởng xuất khẩu này, cần có thêm nhiều dự án lớn, đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả. Đến năm 2025, thu hút đầu tư mới 20-25 cơ sở chế biến quy mô lớn và vừa tại các vùng sản xuất rau quả tập trung; giai đoạn 2026-2030, căn cứ tình hình thị trường và khả năng tổ chức sản xuất nguyên liệu để tiếp tục đầu tư khoảng 30-35 cơ sở chế biến. |