Xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 5 tỷ USD
Giá cà phê tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua
|
Dự báo, xuất khẩu cả năm 2023, toàn ngành có thể mang về hơn 5,5 tỉ USD |
Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, dự kiến, xuất khẩu rau quả trong tháng 9/2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,134 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2022.
Kết quả này sẽ vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 là 3,34 tỷ USD. Kết quả này cũng sẽ vượt con số kỷ lục xuất khẩu của ngành rau quả vào năm 2018 là 3,81 tỉ USD.
Trong Top 10 thị trường lớn nhất của ngành rau quả, ngoài Trung Quốc thì thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tăng trưởng dương; Hoa Kỳ, Thái Lan, Australia giảm nhập khẩu.
Trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 266,3 triệu USD, tăng 186,3% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp theo, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
Đáng chú ý, trong quý III và quý IV/2023, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại đưa ra tiêu thụ. Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu cả năm 2023, toàn ngành có thể mang về hơn 5,5 tỉ USD khi vẫn còn 3 tháng cuối năm.
Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Bộ NN&PTNN thông tin, để khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần xây dựng thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, để đảm bảo về chất lượng hàng hoá cũng như tránh những rủi ro không đáng có. Địa phương, doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Trung Quốc.