Xuất khẩu rau quả tăng 30%
Xuất khẩu rau quả tăng “đột phá”
|
Xuất khẩu rau quả tăng 30%, ngành sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục |
Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 223,5 triệu USD và 223 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm lần lượt 4,88% và 4,87% về thị phần.
Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 141 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng các loại đạt 476,13 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 50,5% về lượng và tăng 49,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
“Ngày 19-8, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở rộng cánh cửa cho sầu riêng nói riêng và ngành hàng rau, quả xuất khẩu nói chung. Các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn, cơm sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Với Nghị định thư mới này, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt từ 3 đến 3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh khoảng 400-500 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.
Cũng như sầu riêng, dừa tươi là mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội bứt phá trong năm nay và những năm tới. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đứng thứ bảy về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam, thì đây là cơ hội cho các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, trong năm nay, xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 1 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, các nghị định thư mới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang mở rộng cánh cửa cho xuất khẩu trái cây Việt Nam. Dự kiến, xuất khẩu rau, quả trong năm 2024 sẽ chạm mốc 7 tỷ USD (riêng trái cây chiếm tới gần 90% giá trị). Nếu mọi sự như kỳ vọng, đây sẽ là một dấu ấn của ngành hàng này trong nhiều năm trở lại đây.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của rau, quả Việt Nam. Tính riêng 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau, quả sang thị trường này đã đạt trên 2,5 tỷ USD, chiếm tới 64% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%, chiếm 4,88% và 4,87% về thị phần.
Để duy trì tăng trưởng, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành hàng rau, quả cần chủ động vùng sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu.