Xuất khẩu rau quả tăng “đột phá”
Xuất khẩu rau quả bứt phá tháng đầu năm Xuất khẩu rau quả thu về gần 1,25 tỷ USD trong quý I |
Nhu cầu rau quả tại nhiều thị trường đang phục hồi
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2024 của công ty tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là vì rau quả xuất khẩu vào tháng đầu năm tăng mạnh để làm quà trong dịp Tết của người Châu Á. Hiện công ty đang xuất khẩu nhãn, thanh long, xoài vào thị trường Mỹ, Úc, xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, ngoài ra công ty còn xuất khẩu rất nhiều loại rau quả vào Canada…
Bà Nguyễn Nam Phương Thảo - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit thì cho biết, doanh nghiệp vừa xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép sang Hàn Quốc. Tới đây, công ty sẽ ký kết với hợp tác xã Cù Lao Giêng mua 500 tấn/năm để tiếp tục xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc và có thể trong tương lai sẽ mở rộng thêm. Trước đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia cũng đã chấp nhận nhập khẩu mặt hàng này với giá khá cao. Đây là kết quả của quá trình đầu tư từ sản xuất theo hướng tập trung chất lượng giữa nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), nối tiếp đà tăng trưởng mạnh trong năm 2023, xuất khẩu rau quả trong các tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng khả quan. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, xoài và đặc biệt là sầu riêng. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước tháng 3 xuất khẩu rau quả đạt 450 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2024 có thể đạt 1,265 tỷ USD.
“Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, hai tháng đầu năm 2024 chiếm khoảng 62%. Mặt hàng xuất khẩu nổi trội nhất là sầu riêng, được người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng. Mặt hàng sầu riêng đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng hơn so các năm trước đó”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang các thị trường nổi tiếng khó tính, có yêu cầu chất lượng rất cao như là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia đều bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong những tháng đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc đạt 22 triệu USD, tăng 121% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Mỹ cũng ghi nhận tăng trưởng tới 83% đạt 22 triệu USD. Còn đối với thị trường Nhật Bản đạt 16 triệu đô la Mỹ, tăng 53%. Còn tại thị trường Australia, xuất khẩu rau quả cũng đã thu về 9 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới hơn 60% kim ngạch của cả nước.
Muốn vào thị trường cao cấp phải xuất khẩu chính ngạch
Hiện xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Malaysia. Chia sẻ về vấn đề này, bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Công ty CP tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: “Nếu Việt Nam làm tốt về chất lượng sản phẩm, nông dân hợp tác cùng với doanh nghiệp tạo ra những dòng sản phẩm cao cấp thì chúng ta sẽ không có sợ bất kì một cường quốc nào, kể cả Thái Lan hay Malaysia. Bởi Việt Nam có rất tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu, rải vụ được quanh năm. Không chỉ riêng sầu riêng mà tất cả các loại sản phẩm trái cây khác được trồng tại Việt Nam đều có độ ngon và chất lượng tốt. Chúng ta cần phát huy những giống đặc thù của Việt Nam, canh tác tốt, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng và cần truyền thông thương hiệu quốc gia”.
Để có thể tiến sâu vào thị trường rộng lớn, theo nhiều chuyên gia, các mặt hàng cũng cần nhanh chóng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch với tầm nhìn dài hạn và chất lượng. Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, muốn xuất khẩu rau quả bền vững thì phải xuất chính ngạch, bảo đảm được chất lượng sản phẩm. Chúng ta phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu thì mới có thể xuất khẩu bền vững, xây dựng được thương hiệu hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao so với hàng hóa các nước để người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu ưa chuộng.
“Hiện chúng ta đang đi ngược lại xu hướng đó, xuất khẩu chỉ chạy theo số lượng, mua bán chụp giật sẽ làm mất thương hiệu. Khi chúng ta đã mất thương hiệu thì người tiêu dùng sẽ quay lưng, gây ra những hệ lụy khó lường như mất thị trường…”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, xuất khẩu chính ngạch thì hàng hóa đàng hoàng đi vào các thị trường các nước. Hàng hóa chính ngạch có thể đi vào siêu thị, vào những nơi bán hàng chính thức. Còn nếu đi con đường tiểu ngạch thì chỉ bán ở chợ hoặc gần biên giới. Hay bán dưới thương hiệu của người khác thì không thể phát triển được số lượng lớn. “Doanh nghiệp muốn đi vào thị trường cao cấp hay siêu thị thì phải xuất khẩu chính ngạch”, ông Nguyên khẳng định.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần kiểm soát chặt mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói hay chất lượng sản phẩm. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, nếu chúng ta quản lý lỏng lẻo sẽ gây ảnh hưởng chung đến tất cả hàng hóa Việt Nam chứ không phải của riêng doanh nghiệp nào. “Theo tôi cần tập trung vào khâu quản lý, khi làm tốt khâu quản lý thì lúc đó chúng ta mới xây dựng được thương hiệu tốt. Chúng ta cũng có nhiều bài học là những những vi phạm nhỏ nhưng gây ảnh hưởng tới cả một nền nông nghiệp của Việt Nam”, ông Tùng khuyến cáo.
Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, thời gian tới, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh. Thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam vẫn là thị trường Trung Quốc, tiếp đó là trái dừa. Kim ngạch xuất khẩu trái dừa dự kiến hàng tỷ USD. Các thị trường khác như EU, bờ đông của Mỹ bị ảnh hưởng về sự kiện biển đỏ, gây khó khăn cho việc vận chuyển xa, một số mặt hàng rau quả không đáp ứng được nhu cầu bảo quản. Còn xuất khẩu rau quả vào bờ Tây của Mỹ, Úc hay thị trường các nước Châu Á vẫn bảo đảm được sự tăng trưởng.