Xuất khẩu sầu riêng ước đạt trên 500 triệu USD
Xuất khẩu sầu riêng dự kiến đạt hơn 2 tỷ USD Sầu riêng Việt xuất sang EU bị đưa vào diện kiểm soát Gần 1.400 tỷ đồng ngăn mặn cho vùng sầu riêng xuất khẩu |
Xuất khẩu sầu riêng những tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tốt. |
Hiện sầu riêng Việt Nam đang được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Việt Nam đang đàm phán xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang Ấn Độ và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Thống kê đến năm 2023, cả nước có 150.000 ha trồng sầu riêng, gấp 10 lần so với năm 2015. Với 76.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng sầu riêng mỗi năm đạt gần 1,2 triệu tấn, trong đó khoảng 50% được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, quý I/2024, nước này thông qua cửa khẩu Hữu Nghị đã nhập khẩu 48.000 tấn sầu riêng, trị giá 1,85 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,56 triệu USD). Trong số đó, lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam có đà tăng mạnh, đạt 35.000 tấn, trị giá 1,28 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,77 triệu USD).
Năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 đã tăng mạnh lên 34,6% năm 2023.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xuất khẩu sầu riêng những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt, trước hết là nhờ nhu cầu vẫn cao từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, sản lượng sầu riêng đầu năm nay tăng nhờ người trồng sầu riêng ở nhiều tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long… áp dụng thành công kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa trái vụ.
Tuy nhiên, sâu riêng Việt Nam đang đối mặt với nhiều cảnh báo từ thị trường Trung Quốc do một số lô hàng không tuân thủ Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với sầu riêng tươi xuất khẩu sang thị trường này; một số cơ sở đóng gói chưa thực hiện đúng quy trình đóng gói đã được phê duyệt, chưa có các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ sinh vật gây hại, chưa thực hiện tốt việc kiểm tra hàng hóa trước khi xuất xưởng.
Do đó, việc tăng cường quản lý, giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói ở các tỉnh trồng sầu riêng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu số lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo.
Mới đây, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết. Sau khi nhận được cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp rà soát, lập đoàn kiểm tra đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách cảnh báo nhiễm cadimi.
Đối với vấn đề truy xuất an toàn thực phẩm các lô hàng bị cảnh báo, ông Huỳnh Tấn Đạt đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng như trên phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Các địa phương phải tăng cường giám sát tất cả các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để chất lượng của các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói luôn được duy trì, khẩn trương xác minh, khắc phục những sai sót ở các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị cảnh báo.