Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng: Điểm sáng ngành nông sản
Xuất khẩu phục hồi khiến giá cổ phiếu logistics tăng vọt
|
Xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm |
Số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Một số mặt hàng nông sản tăng cao trong 5 tháng đầu năm như: cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó nổi bật là các thị trường: Hoa Kỳ (ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc (kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%), EU (ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%), Hàn Quốc (ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%).
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong thời gian này sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng. xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI.
Một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Trong nửa cuối năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và pháp luật. Triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất. Trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.