Xuất khẩu thủy sản: Chờ thời cơ để tăng tốc
Xuất khẩu thuỷ sản: Chọn phân khúc để mở rộng thị trường Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh Xuất khẩu thủy sản: Nhiều tín hiệu phục hồi cuối năm |
Đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Khang An Foods cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng 20% so với quý trước đó. Hiện doanh nghiệp đang tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng đơn hàng sang các thị trường mới như Canada và Australia, bên cạnh các thị trường truyền thống là Anh, Mỹ, Nhật Bản.
Tương tự, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cũng cho biết, trong thời gian này, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đang dần cải thiện so với quý II/2023 cả về sản lượng và giá trị.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục được cải thiện và ổn định.
Không chỉ vậy, VASEP cũng chỉ ra rằng, hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao vẫn là thế mạnh của Việt Nam tại một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vì chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán. Một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần khi FTA Việt Nam - Israel đã chính thức ký kết và đi vào thực thi mới đây.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó khăn từ chi phí logistics |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, hiện thủy sản chiếm 27-28% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Do đó, từ nay đến cuối năm, thủy sản phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu nhằm đảm bảo tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã phục hồi khá tốt. Những doanh nghiệp có ý thức cho sự phát triển lâu dài, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược… sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay chính là nguồn cung tôm cho chế biến xuất khẩu. Thông thường, đầu quý III là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ. Riêng Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng tới đây, tôm thương phẩm của các nước sẽ đều giảm mạnh vì giảm thả nuôi. Trong khi đó, hiện tại giá tôm ở ĐBSCL đã xuống tới đáy, khiến cho nhiều người nuôi không còn muốn thả nuôi tôm trong thời gian tới. Đây là một bài toán khó, đòi hỏi thời gian cũng như sự chung tay của cả chuỗi ngành hàng, trong đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ và quản lý nhà nước, ông Hồ Quốc Lực cho biết thêm.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng vẫn gặp phải khó khăn từ chi phí
logistics. Hiện giá cước vận chuyển dù đã giảm mạnh so với thời điểm Covid-19, nhưng chi phí dịch vụ cảng biển, bốc dỡ, lưu kho vẫn đang liên tục tăng, mỗi quốc gia có một kiểu thu khác nhau và không ổn định. Điều này khiến giá sản phẩm xuất khẩu vẫn còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và lợi nhuận trong doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Do đó, Việt Nam cần quan tâm xây dựng những trung tâm logistics khu vực, có những chuỗi cung ứng dịch vụ thu mua, thu gom đến vận tải, kho lạnh chế biến nhằm chủ động hỗ trợ cho hàng Việt vươn xa.
Ngoài ra, theo VASEP, cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thì điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là duy trì dòng tiền; đảm bảo dòng tài chính để ký kết các hợp đồng mới có ý nghĩa quan trọng trong phục hồi của ngành. Trước nhu cầu trên, Ngân hàng Nhà nước Nhà nước Việt Nam vừa triển khai chương trình tín dụng quy mô 15 nghìn tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Theo các chuyên gia, đây chính là liều thuốc “trợ lực” giúp các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vượt qua những khó khăn hiện nay.