Xuất khẩu thuỷ sản: Chọn phân khúc để mở rộng thị trường
Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản đều có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ và Trung Quốc.
Đánh giá tổng thể 5 năm vừa qua, chuyên gia của VASEP cho biết, khủng hoảng Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột giữa Nga-Ukraina, đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới ngành thuỷ sản. Có lúc nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh, giao thương khó khăn hơn. Năm 2022 sức cầu thị trường phục hồi, đem lại doanh số lớn cho xuất khẩu thuỷ sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… Nhìn chung trong bối cảnh đó, ngành thuỷ sản vừa gặp khó khăn song cũng vừa hưởng lợi.
Cụ thể là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra từ năm 2018 trở lại đây, cùng việc thực hiện chính sách zero-Covid, khiến Trung Quốc mất dần vị trí trung tâm chế biến thuỷ sản của thế giới. Điều này mang tới lợi thế cho Việt Nam, do các nhà cung cấp chuyển cá nguyên liệu khai thác sang Việt Nam để các DN trong nước chế biến và xuất khẩu, mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho DN. Bên cạnh đó, việc tích cực hội nhập thông qua ký kết và thực hiện các FTA mới như EVFTA, CPTPP, cũng mang lại lợi ích thuế quan lớn để DN thuỷ sản Việt Nam khai thác các thị trường mới. Trong đó một số thị trường như Canada, Mexico chưa tham gia FTA nào với Việt Nam. Vì vậy trong năm 2023 lần đầu tiên xuất khẩu sang các thị trường Nam Mỹ tăng tốc rất mạnh mẽ.
Ở chiều hướng ngược lại, ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh gia tăng rất lớn, nhất là từ hai đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ. Do vị trí địa lý nằm gần Mỹ, Ecuador có lợi thế về logistics cạnh tranh hơn hẳn so với Việt Nam. Bên cạnh đó, giai đoạn sau Covid-19 sức tiêu thụ tôm nhỏ (mặt hàng có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ) có xu hướng tăng lên do mặt hàng này có giá cạnh tranh hơn, trong khi Ecuador tập trung vào sản xuất tôm nhỏ. Nhờ lợi thế cạnh tranh nên giá tôm xuất khẩu của Ecuador thấp hơn so với giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam. Đối với mặt hàng cá tra, giai đoạn 2022 trở lại đây các DN Việt Nam chưa hết khó khăn tại thị trường Mỹ vì tồn kho của nhà nhập khẩu tại nước này đang quá cao. Các nhà nhập khẩu của Mỹ hiện nay tạm giảm đơn hàng để giải quyết tồn kho. “Ít nhất nửa năm đến một năm sau, khi đã giải quyết xong tồn kho, mới có thể hy vọng về tín hiệu phục hồi vào quý cuối năm hoặc sang năm tới”, chuyên gia của VASEP nhận định.
Đối với thị trường EU, VASEP đánh giá xu hướng 5 năm qua cho thấy nhu cầu nhập khẩu không có biến động mạnh, trừ mặt hàng tôm. Sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế tốt ở thị trường này, vì xu hướng của người tiêu dùng EU thích sản phẩm hữu cơ, có chứng nhận bền vững, vì vậy họ ưa chuộng sản phẩm tôm sinh thái của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản trong 5 năm qua cũng không có nhiều biến động, nhu cầu ổn định ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, điểm đặc biệt là người tiêu dùng Hàn Quốc và Nhật Bản đều rất ưa chuộng sản phẩm chế biến có giá trị cao của Việt Nam. Dù thị trường có biến động, thay đổi thế nào thì các thị trường này vẫn đặt hàng Việt Nam để chế biến theo nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng nước họ. Nhờ đó doanh số bán hàng vào các thị trường này duy trì tốt, có tăng trưởng trong thời gian qua. Tóm lại, các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thuộc nhóm có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, dù nhu cầu tiêu thụ không tăng trưởng quá cao, song lại không sụt giảm quá lớn trong bối cảnh khó khăn chung.
Trước các diễn biến như vậy, VASEP khuyến nghị các DN xuất khẩu thuỷ sản cần quan tâm tới các thị trường theo các phân khúc khác nhau. Bà Lê Hằng chia sẽ thêm, trong thế giới hội nhập, thị trường nào cũng có các phân khúc tiêu thụ của người nhập cư, nhất là người châu Á. Vì vậy có thể tiếp cận các kênh tiêu thụ này. Bên cạnh đó, ngay trong các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đều có các quốc gia thành viên, các vùng miền có đặc điểm khác nhau. Vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận theo phân khúc địa phương.