Xuất khẩu thủy sản chưa hết khó
Xuất khẩu thủy sản: Chờ thời cơ để tăng tốc Xuất khẩu thủy sản thu về gần 5,8 tỷ USD |
Cụ thể trong vòng 3 tháng (từ tháng 6-8), kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, lần lượt là 23,7%, 17,5% và hơn 15%. Dù mức giảm có thấp dần và cho thấy xu hướng đang khả quan hơn, nhưng đây vẫn là những mức tăng trưởng âm “tồi tệ” nhất. Trong đó mặt hàng cá tra đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Đức Trung - Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, “tiêu thụ cá tra đang rất khó khăn ở các thị trường chủ lực như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc...”. Chẳng hạn như Vĩnh Hoàn, lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 30% cho tất cả các thị trường.
Thông tin cụ thể hơn, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, 8 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra chỉ đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Võ Phương Thuỷ - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu cá tra của 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm sâu, nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc, khiến lượng tồn kho của doanh nghiệp cá tra rất lớn, trong khi cá dưới ao cũng còn nhiều”, ông Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết và nhấn thêm, doanh nghiệp hiện đang rơi vào cảnh thiếu tiền mặt vì hàng không xuất khẩu được.
Thêm vào đó, giá bán cũng giảm mạnh. Giá cá tra xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 2,65 USD/kg so với mức gần 3,2 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí nuôi, chế biến và cả xuất khẩu đều tăng. Giá thức ăn cho cá tra tăng cao so với cùng kỳ (chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất); chi phí về kiểm soát chất lượng, logistics, lưu kho hàng tồn đều tăng, tạo áp lực lớn cho các đơn vị sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản.
Ông Văn cho biết, xuất khẩu khó khăn không những làm lượng hàng tồn kho tăng cao mà còn đội chi phí bảo quản hàng hóa. “Thị trường thu hẹp, giá bán sụt giảm trong khi chi phí duy trì hoạt động lại tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rơi vào cảnh thua lỗ”, bà Thủy cho hay. Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, mà người nuôi cá tra cũng đang đối mặt với thua lỗ. Bà Thuỷ cho biết thêm, nông dân nuôi cá tra ở Đồng Tháp đang phải chịu thua lỗ khoảng 547 đồng/kg cá bán ra (giá thành sản xuất bình quân hiện là 26.847 đồng/kg, nhưng giá bán chỉ 26.300 đồng/kg).
Sở Công thương Đồng Tháp cho biết một số doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động, như chi nhánh Công ty Thuỷ sản số 4-Đồng Tâm, Công ty TNHH Thanh Hùng, Chi nhánh Công ty TNHH xuất nhập khẩu thuỷ sản APA, còn Công ty cổ phần Tô Châu ngưng sản xuất và cho thuê lại kho…
Theo ông Huỳnh Đức Trung, các doanh nghiệp ngành cá tra đang phải thắt chặt tối đa chi phí, cố gắng cầm cự duy trì sản xuất để giữ chân người lao động. Công ty đang cố gắng tìm thị trường mới bởi thị trường truyền thống đang “căng cứng”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin thêm, ngành thủy sản đã và đang đẩy mạnh xúc tiến ba thị trường lớn là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai phát triển thị trường Quảng Tây (Trung Quốc) thông qua ký kết ghi nhớ về hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản…