Xuất khẩu thủy sản trở lại “đường đua”
Xuất khẩu thủy sản: Chờ thời cơ để tăng tốc Xuất khẩu thủy sản thu về gần 5,8 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản chưa hết khó |
Cụ thể, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này sang Mỹ và Trung Quốc trong quý II/2023 đã lần lượt tăng 31% và 43% so với quý I/2023. Đồng thời, tỷ suất lãi gộp trong quý II/2023 đạt 20,7%, cao hơn mức 17,3% của quý I/2023. Điều đáng mừng, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đã được cải thiện hơn so với quý II/2023 cả về sản lượng và giá.
“Riêng đối với Hoa Kỳ - thị trường quan trọng hàng đầu của Vĩnh Hoàn, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Hoa Kỳ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại. Đặc biệt, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng vừa chính thức ban hành kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Thuỷ sản Vĩnh Hoàn là một trong hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0 USD/kg. Còn đối với thị trường châu Âu, trong tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sang khu vực này đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 13% và doanh thu xuất khẩu sang các thị trường còn lại (ROW) tăng 20% so với hồi tháng 7/2022”, đại diện CTCP Thuỷ sản Vĩnh Hoàn chia sẻ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc trong đầu quý III này. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm trong tháng 7/2023 của CTCP Thực phẩm Sao Ta đạt hơn 1.900 tấn với doanh số đạt 21,3 triệu USD, tăng 19% về sản lượng tiêu thụ và tương đương về mặt doanh số so với cùng kỳ năm 2022. Xu hướng này tiếp tục cải thiện trong tháng 8/2023 khi công ty ghi nhận doanh số lên đến 22,4 triệu USD - mức cao nhất 19 tháng trở lại đây và trở thành tháng có doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta hiện nhận định xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục được giữ vững trong những tháng tới. Dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9/2023), doanh nghiệp kỳ vọng doanh số những tháng cuối năm nay sẽ chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của công ty hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản, đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam nói chung.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), lần đầu tiên sau 13 tháng, sản lượng nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đã hồi phục trở lại trong tháng 8/2023, cho thấy những tín hiệu tích cực về triển vọng tiêu thụ tôm tại đây trong những tháng cuối năm. Dự báo, lượng đơn đặt hàng thủy sản từ Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong giai đoạn cuối năm, nhất là tháng 11 và 12. Hoa Kỳ luôn nằm top 4 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. 3 năm gần đây (2020-2022), Hoa Kỳ giữ vị trí số 1 với giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam đạt từ 800 triệu USD - trên 1 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
“Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là “Đối tác Chiến lược toàn diện”. Sự kiện quan trọng này hy vọng sẽ mở ra những cơ hội mới cho hoạt động giao thương hàng hóa, trong đó có thủy sản giữa hai nước ngày một phát triển bền vững”, chuyên gia Vasep nhận định.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung của cả nước tháng 8/2023 ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước.
Ngoài ra, ngành thủy sản Việt Nam rất kỳ vọng vào việc thị trường Trung Quốc hồi phục trở lại, do nhu cầu tiêu dùng của người dân đất nước tỷ dân này sẽ giúp cho kim ngạch xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ… của Việt Nam gia tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thêm cơ hội tại các thị trường nhỏ được coi là niềm hy vọng, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Đến nay, xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 25% so với cùng kỳ; sang Phần Lan tăng gấp 18 lần; thị trường New Zealand tăng 17%; Thụy Điển tăng 25%… Dự báo cả năm 2023, xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, tuy giảm 32% so với năm 2022.
Cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường, cũng như từng ngành hàng, các chuyên gia dự báo, dù còn nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ “sáng” hơn và kỳ vọng con số mục tiêu đặt ra cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2023 là đạt kim ngạch trên 9 tỷ USD sẽ sớm đạt được.