Xuất khẩu tôm hùm gặp khó
Xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc Nguyên nhân xuất khẩu tôm hùm bông bị ách tắc tại Trung Quốc |
Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98-99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan chiếm 1-2%. Đối với thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc). Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cơ quan chức năng ở địa phương cần hướng dẫn, tuyên truyền, người nuôi tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thuỷ sản |
Theo ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm xuất khẩu chính. Tuy nhiên từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán.
Hải Quan Trung Quốc khẳng định chỉ không cho phép nhập khẩu tôm hùm bông đánh bắt, chứ không cấm doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm hùm bông nuôi vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tìm hiểu được biết từ khi Trung Quốc thực thi quy định mới, đến thời điểm này, vẫn chưa có nhà nhập khẩu nào ở Trung Quốc được cấp giấy phép nhập khẩu tôm hùm bông. Đó chính là lý do tôm hùm bông bị gián đoạn xuất khẩu sang Trung Quốc từ tháng 5/2023 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Ánh Quyên - chủ hộ nuôi tôm hùm tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, chưa bao giờ người nuôi tôm hùm bông gặp cảnh khó khăn như hiện nay. Tôm hùm được nuôi tại cơ sở chứ không phải đánh bắt, nhưng hiện nay không thể xuất khẩu được. Cơ sở đang đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn.
Còn theo ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), hiện hợp tác xã đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất khẩu khẩu, gây khó khăn cho xã viên. Ông Thái kiến nghị các cơ quan chức năng làm việc với phía Trung Quốc để có thể sớm hoàn thiện được giấy tờ thủ tục.
Ông Lê Bá Anh cho hay, nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc). Bên cạnh đó, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có Văn bản số 1388, 1389/CCPT-ATTP ngày 23/11/2023 để hướng dẫn thống kê, đăng ký). Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.
Để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc, ông Lê Bá Anh cho rằng cần đảm bảo các yêu cầu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương. Sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các cơ quan chức năng ở địa phương cần hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm hùm, nhất là tôm hùm bông thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thuỷ sản trong nuôi biển, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm giống trên địa bàn. Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và phù hợp với thị trường Trung Quốc, gửi Cục Thuỷ sản để thực hiện các bước tiếp theo.
Bà Vương Thị Oanh - đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, những khó khăn hiện nay dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024. Tuy nhiên về lâu dài, Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường trên. Song, cạnh tranh vẫn sẽ gia tăng với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc cho sản phẩm chế biến và với Ecuador cho sản phẩm nuôi trồng.
Tại kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, diễn ra ngày 27/11, tại Hà Nội, ông Vương Văn Đào - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đối với vướng mắc xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất, đóng gói với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để sản phẩm tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc. |