Xuất khẩu trái cây "gặp khó" bởi rào cản phi thuế quan
“Nữ hoàng quả khô” mắc ca “hút khách” ở festival trái cây lớn nhất vùng Tây Bắc Bưởi là loại trái cây tươi thứ 7 được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ Vốn ngân hàng nơi “thủ phủ trái cây” Lục Ngạn |
Rào cản lớn nhất đối với trái cây xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU là do những biện pháp phi thuế quan. |
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 40 loại hoa quả nhiệt đới, trong đó có 27 loại có giá trị thương mại. Tuy nhiên, phần lớn trái cây Việt Nam được tiêu thụ nội địa, với tỷ lệ chiếm đến 85-90% tổng sản lượng trái cây.
Thị trường xuất khẩu chính của hoa quả Việt Nam là Trung Quốc, chiếm đến 75% tổng giá trị trái cây xuất khẩu. Sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường đơn lẻ đã từng dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cho ngành trái cây của Việt Nam.
Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam đang cố gắng thâm nhập vào các thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU. Đây là khu vực nhập khẩu trái cây lớn nhất trên thế giới, và có nhu cầu ngày càng tăng với các loại trái cây nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, dù xuất khẩu trái cây đã tăng đáng kể trong một vài năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu hàng năm vẫn thấp hơn 1 tỉ đô-la - con số chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của ngành này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng Việt Nam dù có lợi thế cạnh tranh cao trong sản xuất nhiều loại trái cây nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này vẫn còn khiêm tốn.
Một số nguyên nhân có thể chỉ ra là do hạn chế từ phía doanh nghiệp về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, công nghệ chế biến chưa đạt tiêu chuẩn, và chưa nắm rõ thông tin của thị trường mục tiêu.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam và nhiều chuyên gia trong ngành, lý do chính cho tình trạng này nằm ở tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các nước nhập khẩu hoa quả và các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những rào cản này được dựng lên nhiều hơn khi thuế quan giảm dần theo thời gian để phù hợp với các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại khác với Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thoan - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, rào cản lớn nhất đối với trái cây xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này lại nằm ở những biện pháp phi thuế quan (NTMs) chứ không phải thuế quan.
Theo cơ sở dữ liệu UNCTAD TRAINS, EU hiện đang áp dụng 34 biện pháp NTMs lên hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam, bao gồm 26 biện pháp kiểm dịch động thực vật và 8 rào cản kỹ thuật với thương mại. Nghiên cứu này sẽ tập trung vào các biện pháp NTMs nghiêm ngặt nhất đang được EU áp dụng cho các mặt hàng trái cây tiềm năng của Việt Nam.
Theo dữ liệu của UNIDO, hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam sang EU phần lớn bị từ chối bởi nhiễm khuẩn (20,96%); kim loại nặng (16,05%); tồn dư thuốc thú y (15,57%); dư lượng thuốc trừ sâu (11,02%); phụ gia (7,43%). Điều này cho thấy, để vượt qua rào cản phi thuế quan để xuất khẩu vào khu vực EU, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam cần hết sức chú trọng các vấn đề trên để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.
Hiện sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong ngành này còn rất hạn chế, vì đây không phải là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Do đó, các biện pháp NTMs của EU có thể sẽ là thách thức lớn nhất mà các nhà xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Thoan, khi trái cây xuất khẩu của Việt Nam không đủ tiêu chuẩn vượt qua các hàng rào phi thuế quan có thể bị từ chối nhập khẩu, thậm chí tiêu hủy, cấm xuất khẩu nếu có các vi phạm liên quan tới sức khỏe thực vật.
Trong bối cảnh các nước nhập khẩu bảo hộ thương mại bằng các biện pháp phi thuế quan cần có những giải pháp đảm bảo xuất khẩu bền vững hàng nông sản Việt Nam thông qua việc nắm bắt thông tin về việc sử dụng các biện pháp phi thuế từ các thị trường xuất khẩu và chủ động thực hiện các biện pháp đối phó sao cho kịp thời, hiệu quả.
Cụ thể, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần bám sát vào tình hình thực tế để có một cái nhìn tổng quan dài hạn về chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu trái cây. Đồng thời, cần chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu mặt hàng trái cây xuất khẩu để tăng thêm chuỗi giá trị trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu về chất lượng của thị trường xuất khẩu.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chính phủ cũng như các chủ thể cần tích cực lắng nghe lẫn nhau, cũng thảo luận các chính sách phát triển xuất khẩu để đưa ra phương hướng phù hợp với thực tế và mang tính hiệu quả cao. Theo đó, toàn bộ các chính sách, cách thức quản lý cần được thiết lập lại một cách chặt chẽ và thống nhất hơn, hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy xuất khẩu trái cây bền vững.
Doanh nghiệp, người lao động trong chuỗi cung ứng hoa quả xuất khẩu cũng cần tham chiếu, chủ động đề xuất lên các bộ, ngành có thẩm quyền để điều chỉnh và bổ sung sao cho phù hợp với nhu cầu của chính doanh nghiệp. Trong bối cảnh các FTA đang được thực thi, Chính phủ và Doanh nghiệp cần nhanh chóng đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch và phù hợp nhất với các quy định của các FTA.
Để vượt qua hàng rào phi thuế quan khi xuất khẩu trái cây, cần nâng cao chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và áp dụng để cải thiện quy trình sản xuất và chế biến trái cây theo các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm của châu Âu (GLOBALGAP).
Tăng cường quản lý dư lượng thuốc trừ sâu, thực hiện kiểm tra, kiểm dịch nội bộ thường xuyên, thúc đẩy sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ thay thế sử dụng thuốc trừ sâu.