Xúc tiến cơ hội đầu tư Việt Nam - Singapore
Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam Vì sao Singapore đứng đầu dòng vốn FDI vào Việt Nam? Vietnam Airlines khai thác tàu thân rộng trên đường bay đi Singapore |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc tham dự và chủ trì Hội nghị |
Việt Nam là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong chặng đường hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có hơn 10 năm là quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam - Singapore có mối quan hệ song phương quan trọng và đặc biệt đã có bước tiến triển vượt bậc, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đặc biệt là đầu tư ngày càng có tăng trưởng cao. Hiện Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng số vốn cam kết lên tới gần 75 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần hơn 36% tổng vốn đầu tư, tăng hơn 79% so với 2023. Đáng chú ý, đầu tư của Singapore chủ yếu là đầu tư mới.
Cùng với đó, về thương mại, Singapore luôn nằm trong nhóm các đối tác xuất nhập khẩu quan trọng với Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 9 tỷ USD/năm.
“Singapore được ví như một trong những “con rồng” của châu Á, không chỉ là quốc gia có nền kinh tế phát triển, mà còn là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư đa quốc gia hàng đầu. Do vậy, Việt Nam - Singapore sẽ còn nhiều dư địa để phát triển, thu hút sự quan tâm nhiều hơn các nhà đầu tư trong trên thế giới và trong khu vực vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thị trường tài chính, thị trường vốn, chứng khoán” – Bộ trưởng cho biết.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng thông tin, trong những năm gần đây, mặc dù chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu do thời kỳ hậu Covid-19, song nền kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ hồi phục tốt, thuộc nhóm các quốc gia có tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là điểm sáng trong đầu tư, thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp trên toàn cầu. Cùng với nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, chính sách tài khóa đã cho thấy vai trò quan trọng trong phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Theo đó, năm 2023, tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,05%; trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng trưởng đạt 6,42% và dự kiến đến cuối năm là 6,5%. Chỉ số nợ công của Việt Nam đạt khoảng 37% GDP, thấp hơn rất nhiều so với hạn mức đề ra là 60% GDP. Bội chi ngân sách dưới 4%. Việt Nam giữ được sự ổn định về tỷ giá VND/USD.
Thị trường tài chính ngày càng được củng cố, phát triển
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, dù gặp khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư… các thị trường tài chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững hơn.
“Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ngày càng hiệu quả, chất lượng, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Trong hơn 24 năm vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ được sức hấp dẫn, thông qua số lượng hàng hóa trên sàn, quy mô thanh khoản cao và sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tính tới tháng 7/2024, trên thị trường có tổng cộng hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 278 tỷ USD, tương đương 65% GDP năm 2023. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 8 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương hơn 10% dân số trưởng thành. Trong khu vực ASEAN, thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường rất năng động với mức thanh khoản lên tới khoảng 1 tỉ USD/ngày, đứng nhất, nhì trong khu vực về thanh khoản. “Và có một điều thú vị là thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam - Singapore là tương đương nhau”, Bộ trưởng cho hay.
Mặc dù đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên, Việt Nam quyết tâm tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, toàn diện, hội nhập và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể tham gia. “Hiện nay, chúng tôi cũng đang nỗ lực hết mình để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán và kỳ vọng sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm tại Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị |
Chú trọng tăng trưởng xanh, tài chính xanh
Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, ngoài nỗ lực để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn quan tâm đến các chính sách và tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, cũng như tăng cường phát triển xanh, phát triển bền vững…
Phát triển thị trường vốn xanh là một trong các mục tiêu đã được đưa vào Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và là một trong những giải pháp quan trọng để huy động được nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã được cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Hiện Đề án này ở các bước cuối cùng để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon.
Cam kết đồng hành, tạo điều kiện để thu hút dòng vốn ngoại
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và là hợp phần quan trọng của nền kinh tế; vì thế, luôn tạo điều kiện thuận lợi để cùng nhau phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. “Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài tại Việt Nam” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Về phía Bộ Tài chính Việt Nam, chúng tôi cam kết đồng hành và tạo cơ hội thuận lợi cho các đối tác, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác đem lại hiệu quả cao nhất. Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Singapore, cũng như các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ luôn lắng nghe, tập trung tháo gỡ các vướng mắc để các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả nhất”, Bộ trưởng khẳng định tại Hội nghị.
Hội nghị cũng dành phần lớn thời gian để các doanh nghiệp, đối tác đầu tư lớn tại Việt Nam và Singapore trình bày các cơ hội hợp tác đầu tư tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trực tiếp trả lời thẳng thắn, rõ ràng các câu hỏi của các nhà đầu tư có mặt tại Hội trường về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.