Yếu tố mùa vụ sẽ thúc đẩy tín dụng
Phân tích dữ liệu theo giới: Thúc đẩy tín dụng cho nữ chủ doanh nghiệp Thúc đẩy tín dụng xanh là vấn đề cấp bách |
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, quy mô dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố hiện nay đã lên mức hơn 3,33 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng ngắn hạn có mức tăng trưởng cao 4,92% so với cuối năm 2022, tín dụng trung dài hạn tăng 1,88%. Cơ cấu tín dụng này phù hợp với nguồn vốn của các TCTD, đảm bảo các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng, kể cả cơ cấu lãi suất trong mối liên hệ giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay cũng như định hướng điều hành lãi suất của NHNN trong 8 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỷ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Trong đó, tín dụng đối với các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục được các TCTD đẩy mạnh cùng các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm. Theo đó, đến nay dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn) với lãi suất ưu đãi đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, cho 17.827 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã với lãi suất vay không quá mức quy định (hiện nay là 4%/năm).
Đặc biệt, hoạt động cho vay của các TCTD gắn liền với hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các cơ chế, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Theo đó, dư nợ cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm của các TCTD trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đến cuối tháng 8/2023 đạt trên 34.000 tỷ đồng, cho trên 25.000 khách hàng vay vốn; giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất đạt 20.954 tỷ đồng, cho 350 khách hàng thuộc các lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây nhà ở xã hội… Đặc biệt các TCTD đã giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với doanh số đạt gần 100% số vốn đăng ký theo kế hoạch năm.
Đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 8 tín dụng trên địa bàn bắt đầu tăng trở lại do một số lĩnh vực, ngành nghề phục hồi và có tăng trưởng. Điều đó cho thấy các chính sách thúc đẩy tăng trưởng đang phát huy hiệu quả tích cực. Kinh tế khởi sắc sẽ thúc đẩy tín dụng phục hồi nhanh hơn trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cuối năm các doanh nghiệp thường tăng tốc hoạt động để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Mùa vụ là quy luật thường niên. Chẳng hạn như năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng trên toàn thế giới, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm trong những tháng đầu năm, nhưng kết thúc năm 2020 tín dụng vẫn tăng tới 10,35%. Năm nay cũng vậy, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, nhiều doanh nghiệp tìm được thị trường sản xuất kinh doanh đang phục hồi. Nghiên cứu mới theo ủy thác của HSBC cho thấy, các doanh nghiệp đến từ 9 nền kinh tế lớn trên thế giới đang ngày càng lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong 12 tháng tới của Đông Nam Á. Trong đó 28% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng Việt Nam có nền kinh tế kiên cường và mức lương cạnh tranh là hai yếu tố hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài; lực lượng lao động lành nghề được các công ty quốc tế nhận định là một trong những đặc điểm hấp dẫn của quốc gia 100 triệu dân trong vai trò một cứ điểm sản xuất. Một yếu tố nữa các doanh nghiệp quốc tế (32%) đánh giá cao là Việt Nam có thị trường tiêu dùng đang lớn dần và nền kinh tế số đang phát triển cũng là một điểm mạnh thu hút doanh nghiệp đến mở rộng hoạt động; đặc biệt là sức hấp dẫn bởi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và lĩnh vực khởi nghiệp sôi động của Việt Nam. Ông Tim Evans, Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam cho rằng, bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài.