Xuất khẩu gạo, rau quả tăng đột biến
Xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm tăng mạnh Xuất khẩu rau quả có tín hiệu tích cực |
Xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,9 tỷ USD. |
Ngày 19/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp sơ kết công tác phát triển thị trường 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận diện được những khó khăn thách thức để kịp thời có những chỉ đạo khắc phục đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai 3 nhóm giải pháp là đàm phán, mở cửa thị trường; cập nhật, phổ biến quy định, nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng và Kết nối giao thương, phát triển thị trường xuất khẩu.
Kết quả xuất khẩu 6 tháng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh suy giảm xuất khẩu nhóm hàng lâm sản, thủy sản ở mức tương ứng 28,2% và 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng tương ứng là 34,7%, 64,2%, 7,7%, 3%, trong đó xuất khẩu gạo và rau quả tăng đột biến.
Trung Quốc đứng số 1 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của 4/9 mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả (1,2 tỷ USD, tăng 80,2%), gạo (364 triệu USD, tăng 79,2%), hạt điều (198,8 triệu USD, tăng 50,9%) và chè (4,2 triệu USD, tăng 58,7%).
Việc Trung Quốc mở cửa sau đại dịch từ ngày 8/1, nhu cầu trong nước phục hồi, tăng cường an ninh lương thực. Theo Ngân hàng Thế giới, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023.
Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ xuất khẩu cà phê tăng trưởng, đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%, còn lại 9 mặt hàng đều suy giảm.
Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường này đều giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm gồm gỗ, thủy sản và cà phê.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường ASEAN cũng có sự tăng trưởng khá (12,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ mặt hàng gạo, cà phê…
Về xu hướng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong 6 tháng cuối năm, dự báo mặt hàng rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu chú trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu gạo có khả năng đạt tương đương mức năm ngoái là 6,5 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm, ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục khó khăn do lạm phát, nhu cầu thấp.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với thị trường trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối phát triển thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực vào 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Theo ông Nam, dù kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản này sụt giảm so với năm 2022 song với những chính sách khuyến khích tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản cùng nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân Nhật Bản, đây vẫn là một thị trường tiềm năng.
Đối với thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đẩy nhanh trao đổi với phía tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hoàn tất bản ghi nhớ, và xúc tiến nghị định về xuất khẩu nông sản ở cấp địa phương.
Đồng thời, xúc tiến trao đổi với phía tỉnh Quảng Tây về thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Quảng Tây - Việt Nam, Hiệp hội logistics nông sản Việt Nam - Quảng Tây nhằm khắc phục các hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề xuất khẩu nông sản sang phía bạn.
Với thị trường Hoa Kỳ, thông qua hệ thống Tham tán nông nghiệp, Tham tán thương mại để kết nối giao thương với các doanh nghiệp logistic, đầu mối phân phối nông sản tại thị trường này với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ” vào ngày 21/7/2023; thông qua các Hiệp hội của Hoa Kỳ để tìm kiếm các tiểu bang nhập khẩu nhiều nông sản Việt để tổ chức làm việc, trao đổi, kết nối xúc tiến sản phẩm nông sản vào thị trường này.