Báo cáo của Citi khám phá tầm quan trọng của nền kinh tế biển bền vững
Theo một nghiên cứu do Quỹ Động Vật Hoang Dã Thế Giới (WWF) thực hiện, giá trị kinh tế hàng năm do các ngành công nghiệp dựa vào đại dương nhất định ít nhất là 2,5 nghìn tỷ đô la Mỹ, khiến nền kinh tế biển trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới, nếu xếp hạng dựa trên GDP quốc gia. Hơn nữa, báo cáo này định giá tổng tài sản của đại dương lên đến hơn 24 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Nghiên cứu gần đây cũng đã ước tính rằng, việc đầu tư 1 đô la Mỹ vào đại dương có thể mang lại ít nhất 5 đô la Mỹ lợi nhuận trong 30 năm tới. Với nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển, các ngành công nghiệp dựa trên biển đóng vai trò quan trọng, đóng góp tới hơn một nửa GDP và tỷ trọng xuất khẩu còn lớn hơn nữa.
Đại dương là hệ sinh thái lớn nhất trên trái đất, chiếm hơn 70% bề mặt của nó và là môi trường sống của 80% các dạng động và thực vật, cũng như cung cấp đến 50% lượng oxy mà chúng ta hít thở. Tuy nhiên, do hoạt động của con người, hệ sinh thái trong đại dương đang gặp thiệt hại nghiêm trọng, dẫn đến khoảng 25% tổng số sinh vật biển bị đe dọa. Từ năm 1970 đến 2012, tổng số sinh vật biển đã giảm gần 50%, 50% san hô trên thế giới đã biến mất và khi nhiệt độ tăng thêm 2°C, gần 100% rạn san hô sẽ biến mất.
“Những phát hiện được trình bày trong báo cáo của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng một quan điểm rộng hơn về kinh tế đại dương. Điều quan trọng là phải giải quyết tất cả các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sự lành mạnh của đại dương và nhận thức rõ tại sao sức khỏe đại dương lại quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp dù kinh doanh trên biển hay đất liền,” ông Ramachandran A.S., Tổng Giám đốc Citi Việt Nam cho biết.
Báo cáo của Citi xem xét các nguyên nhân chính gây suy giảm sức khỏe đại dương và chia thành ba nhóm là khai thác quá mức và thay đổi cảnh quan biển, biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Quan trọng nhất, báo cáo này cung cấp đánh giá toàn diện và chi tiết về tác động trọng yếu và mức độ ảnh hưởng đến doanh thu của các ngành khác nhau.
Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững tới năm 2030, với tầm nhìn tới năm 2045, trong đó có sự tập trung vào bảo vệ môi trường và phát triển các ngành công nghiệp dựa trên tài nguyên biển.
Báo cáo của Citi nhấn mạnh tiềm năng của các cơ chế tài chính mới để huy động vốn, như hoán đổi nợ lấy tài nguyên và phát hành trái phiếu xanh. Những phương pháp sáng tạo này, kết hợp với việc phát triển các ngành công nghiệp mới, mang lại cơ hội kinh tế quan trọng. Với đường bờ biển dài, Việt Nam có vị trí thuận lợi để thiết lập một nền kinh tế biển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức về khí hậu và đa dạng sinh học, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm trong tương lai.
Báo cáo của Citi là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức tài chính nhận thức rõ sự cấp thiết phải hỗ trợ sự phát triển bền vững của kinh tế đại dương. Bằng cách hiểu nguyên nhân gây suy giảm sức khỏe đại dương và thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn, các công ty, chính phủ và tổ chức tài chính có thể đóng góp vào việc xây dựng một môi trường biển bền vững và thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.