Chủ tịch Quốc hội: Giám sát cần phải gắn được với trách nhiệm
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề về nội dung này, thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ tháng 1/2020 - 1/2023, Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết; Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, 4 Chỉ thị; Bộ Tài chính, Bộ Y tế ban hành 22 Thông tư, 15 Quyết định; các bộ, ngành, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các quy định về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đảm bảo an sinh xã hội; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Nguồn lực được thực hiện giai đoạn 2020-2022 có quy mô khoảng 613 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khoảng 435,5 nghìn tỷ đồng; thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng.
Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch. Đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vắc-xin), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng. Quỹ vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vắc-xin nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là một chuyên đề giám sát tối cao, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật thông qua giám sát để làm rõ được thực trạng, đánh giá được kết quả, tồn tại, yếu kém, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan. Giám sát phải gắn được với trách nhiệm.
Về kết quả huy động quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch Quốc hội cho biết ở đây bao gồm cả vấn đề: Một là huy động; hai là quản lý; ba là sử dụng; bốn là thanh quyết toán các nguồn, bao gồm cả ngân sách nhà nước, ngân sách không chỉ có ngân sách trung ương, ngân sách địa phương mà có cả nguồn viện trợ vắc-xin, có cả sinh phẩm, thiết bị vật tư y tế, máy thở, có cả huy động xã hội hóa ở trong nước… Đoàn giám sát cần làm rõ thêm, nhất là việc thanh, quyết toán các nguồn ngoài Nhà nước đến nay hiện trạng thế nào. Hiện tại, còn bao nhiêu chưa được thanh, quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả và quá trình giám sát này thấy có thất thoát gì hay không?
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu thêm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn nào để chúng ta đề xuất các kiến nghị. Nghị quyết 30 cho phép có những cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng ai quy định đặc thù, đặc cách, đặc biệt này, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng; ở địa phương bình thường là Hội đồng Nhân dân nhưng cấp bách là Thường trực Hội đồng Nhân dân. Tất cả đặc thù, đặc biệt, đặc cách này phải có quy định.