Công cụ tín phiếu sẽ hiệu lực hơn
Bởi về bản chất, tín phiếu NHNN là một trong những công cụ điều tiết lượng cung tiền của NHNN với cơ chế tương tự như công cụ trái phiếu chính phủ song lại có thời hạn dưới 1 năm tương tự như tín phiếu Kho bạc Nhà nước. Theo đó, NHNN phát hành tín phiếu để thu hút tiền về, giảm lượng tiền trên thị trường để thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm chống lạm phát hay ngược lại, NHNN mua vào tín phiếu để tăng lượng cung tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng khi nguy cơ lạm phát cao không còn hoặc ít nhất là đã giảm.
Ảnh minh họa |
Thực tế trong thời gian qua, tín phiếu NHNN là công cụ chủ yếu để NHNN thực hiện hút bớt lượng tiền dư thừa từ hệ thống các TCTD nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát tiền tệ. Theo đó, khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phát hành tín phiếu NHNN phụ thuộc vào diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Đơn cử những tháng đầu năm, tỷ giá được duy trì ổn định đã góp phần giảm thiểu tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp, qua đó giúp NHNN mua vào được một lượng lớn ngoại tệ để nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia. Để trung hòa lượng tiền bỏ ra mua ngoại tệ nhằm giảm áp lực lên lạm phát, NHNN đã đẩy mạnh phát hành tín phiếu để hút tiền về. Bên cạnh tín phiếu các kỳ hạn 28 và 91 ngày vẫn phát hành trước đó, từ đầu tháng 8, NHNN mở rộng phát hành thêm kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và kỳ hạn rất dài 140 ngày.
Thế nhưng, kể từ cuối tháng 8, tỷ giá trong nước chịu nhiều sức ép khi mà Fed liên tục tăng lãi suất khiến đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá mạnh; thậm chí có thời điểm NHNN đã phải bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường nhằm ổn định tỷ giá. Động thái này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn tiền đồng được hút về, ảnh hưởng tới thanh khoản của hệ thống. Trong khi những tháng cuối năm, thanh khoản của hệ thống cũng thường căng hơn. Để bù đắp thanh khoản cho hệ thống nhằm duy trì ổn định mặt bằng lãi suất những tháng cuối năm, NHNN đã ngừng phát hành tín phiếu và thực hiện bơm tiền thông qua việc đáo hạn tín phiếu.
Nhờ sử dụng hết sức linh hoạt công cụ tín phiếu để điều tiết lượng tiền cung ứng nên NHNN chẳng những đã góp phần tích cực vào việc kiểm soát lạm phát, mà còn duy trì ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.
Để gia tăng hiệu lực cho công cụ này, mới đây NHNN đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về phát hành tín phiếu NHNN thay thế Quy chế phát hành tín phiếu NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN, trong đó bổ sung thêm đối tượng tham gia đầu tư tín phiếu là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ hai phương thức phát hành tín phiếu NHNN như sau. Thứ nhất, phát hành theo phương thức đấu thầu: Việc phát hành tín phiếu NHNN theo phương thức đấu thầu được thực hiện theo quy định về đấu thầu qua nghiệp vụ thị trường mở. Thứ hai, phát hành theo phương thức bắt buộc: Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ và tình hình thực tế, NHNN quyết định phát hành tín phiếu bắt buộc đối với các TCTD. TCTD thực hiện mua tín phiếu NHNN bắt buộc theo Quyết định của Thống đốc NHNN.
Do tín phiếu NHNN bắt buộc vẫn là công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ được sử dụng khi cần thiết nên dự thảo Thông tư bổ sung quy định về xử lý vi phạm đối với tín phiếu bắt buộc.
Cụ thể, trường hợp phát hành theo phương thức bắt buộc, nếu các TCTD không thực hiện mua tín phiếu NHNN hoặc thanh toán không đủ số tiền mua tín phiếu NHNN, NHNN tự động trích nợ tài khoản thanh toán của tổ chức đó tại NHNN cho đến khi thu hồi đủ số tiền còn thiếu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hành và thông báo cho tổ chức biết về việc trích nợ tài khoản. Nếu quá thời hạn trích nợ nêu trên vẫn không thu hồi đủ số tiền mua tín phiếu NHNN bắt buộc, TCTD sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng theo các quy định hiện hành.
Với các quy định như trên, chắc chắn tín phiếu sẽ phát huy hết công dụng của mình trong việc điều tiết lượng tiền cung ứng với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, lãi suất.