Cuộc đua hút vốn ngoại sẽ sôi động
Nhiều ngân hàng đã gọi vốn ngoại thành công, ông có nhận định thế nào về điều này?
Thời gian qua, một loạt ngân hàng từ khối NHTM nhà nước đến các NHTM cổ phần đều đã thành công gọi nguồn vốn ngoại có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng lớn cũng đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại. Đây cũng là câu chuyện thu hút sự quan tâm nhà đầu tư tại mùa đại hội cổ đông của ngân hàng vừa qua.
Có thể thấy, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư đầy tiềm năng ở cả trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện hệ thống ngân hàng Việt đang ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, năng lực tài chính cải thiện, nguồn nhân lực ngày càng chất lượng hơn… do đó các nhà đầu tư nước ngoài đang dành nhiều sự quan tâm cho các ngân hàng Việt thông qua nhiều hình thức.
Việc có nguồn vốn ngoại sẽ hỗ trợ như thế nào đối với hoạt động của các ngân hàng, thưa ông?
Khi có sự tham gia của cổ đông nước ngoài, sẽ giúp các ngân hàng không chỉ tăng tổng tài sản, quy mô và sức cạnh tranh, mà còn giúp tái cấu trúc lại hoạt động, tinh giản bộ máy, tối ưu hoá chi phí... từ đó tăng thêm hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng nội. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ được nâng cao. Ngoài ra, sự tham gia của khối ngoại còn đáp ứng mục tiêu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng Việt để hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của các nhà băng khi xu hướng cạnh tranh về công nghệ giữa ngân hàng, Fintech và ngay cả giữa các ngân hàng diễn ra rất quyết liệt. Việc có thể được nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ sẽ giúp ngân hàng đi nhanh, mạnh hơn với chi phí rẻ hơn trên quá trình chuyển đổi số.
Theo ông, các nhà băng Việt sẽ cần làm gì để trở nên “hấp dẫn” hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài?
Thực tế, khi quyết định xuống tiền nhà đầu tư thường sẽ cân nhắc một số vấn đề như: cơ cấu cổ đông hiện tại của ngân hàng, chất lượng ban lãnh đạo; mức độ tiếp cận công nghệ; trình độ nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, mặc dù có rất nhiều tiềm năng nhưng còn một số vấn đề sẽ hạn chế việc gọi nguồn vốn ngoại của các nhà băng trong giai đoạn tới. Bởi theo quy định, tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD trong nước không được vượt quá 30% vốn. Hiện nhiều ngân hàng đã xài gần hết “room ngoại”. Một số nhà đầu tư mới muốn tham gia hoặc nhà đầu tư chiến lược hiện tại muốn tăng sở hữu cổ phần tại ngân hàng sẽ không thể thực hiện.
Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên xem xét nới room ngoại, tuy nhiên điều này cần cân nhắc kỹ lưỡng. Dù nới room là điều cần thiết nhưng không thể đồng loạt và với mức độ quá rộng. Bởi lẽ, các NHTM không chỉ là doanh nghiệp kinh doanh mà còn là cánh tay nối dài của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo an ninh tiền tệ. Do đó, NHNN sẽ cân nhắc tới nhiều mục tiêu hơn, sao cho hài hoà giữa việc đáp ứng nhu cầu của các TCTD, nhà đầu tư và yêu cầu quản lý nhà nước.
Theo tôi có thể tiến hành nới room ngoại một cách có lộ trình và xem xét từng nhóm ngân hàng với các đặc điểm, tiềm lực mà mức độ nới khác nhau. Song mục tiêu cao nhất vẫn là phải đảm bảo an ninh tiền tệ. Bởi một quốc gia không đảm bảo được an ninh tiền tệ sẽ gây rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!