Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành Ngân hàng
Theo đó, các cấp công đoàn cơ sở cần triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại Nghị quyết 27-NQ/TW; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL để CNVCLĐ dễ tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Hướng dẫn thống nhất trong hệ thống công đoàn các nội dung cơ bản, trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ; đảm bảo tuyên truyền, phổ biến đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL tại Nghị quyết 27-NQ/TW cần gắn với tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL cần chú trọng đối tượng người lao động trong Ngành, theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở.
Các cấp công đoàn ngành Ngân hàng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nội dung về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các đặc trưng như sau: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”.
Tập trung tuyên truyền sâu, rộng về quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai để CNVCLĐ trong Ngành hiểu rõ: Sự cần thiết, mục đích, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật; nội dung cơ bản, nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật so với luật hiện hành; các vấn đề khó, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau… từ đó khuyến khích, huy động các ý kiến tham gia góp ý, phản biện về dự thảo luật của CNVCLĐ và toàn xã hội.
Tuyên truyền, PBGDPL gắn với tuyên truyền về Đại hội VII Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Điều lệ Công đoàn, chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam như: pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, thực hiện dân chủ ở cơ sở, các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có ảnh hưởng đến người lao động ở doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động; thương lượng, đàm phán ký thỏa ước lao động tập thể; chủ động phối hợp tổ chức đối thoại chính sách pháp luật giữa các cơ quan nhà nước và đoàn viên, người lao động; giải quyết ngừng việc tập thể; tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động.
Tuyên truyền, phổ biến vận động, khuyến khích đoàn viên, người lao động tích cực tìm hiểu, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của đoàn viên, người lao động.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các cấp công đoàn ngành Ngân hàng cần nâng cao trách nhiệm của thành viên các Văn phòng tư vấn pháp luật trong hệ thống Công đoàn Ngành; củng cố, kiện toàn hệ thống văn phòng, trung tâm, tổ tư vấn pháp luật. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn pháp luật, báo cáo viên pháp luật. Tích cực hưởng ứng và chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11; thời gian cao điểm tổ chức hoạt động và khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Đặc biệt cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm. Khi thực hiện thông tin, phổ biến về các lĩnh vực pháp luật, cần gắn với việc đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động. Kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật như: sử dụng Website, mạng nội bộ; bảng tin; cổ động trực quan; tài liệu đa dạng; tủ sách pháp luật tại cơ sở… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, nền tảng internet, mạng xã hội; phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền, PBGDPL; tùy vào điều kiện của đơn vị, hệ thống mình, có thể tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến.
Văn bản của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng chỉ rõ, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách của Tổng Liên đoàn có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ, tuyên truyền sâu, rộng về quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn; tuyên truyền, PBGDPL gắn với tuyên truyền về Đại hội VII Công đoàn NHVN, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Căn cứ Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tình hình cụ thể của ngành Ngân hàng, hướng dẫn triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng năm 2023, gắn với tiếp tục triển khai, thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Hướng dẫn công đoàn cơ sở tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong công nhân lao động tại doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng từ xa, trên diện rộng của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, công nhân lao động. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Tổng Liên đoàn.
Các Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn NHVN căn cứ Hướng dẫn của Công đoàn NHVN và tình hình cụ thể của đơn vị, hướng dẫn triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng năm 2023 đến đoàn viên, người lao động trong đơn vị, hệ thống mình. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác tuyên truyền, PBGDPL trong đoàn viên, người lao động đơn vị, hệ thống mình, tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả thực hiện về Công đoàn NHVN trước ngày 15/10/2023.