Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/6
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, cảnh báo nguy cơ nợ công tăng cao
Ngày 24/6, báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đưa ra cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ước giảm 4,9% do ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Đây là mức sụt giảm nhiều hơn đáng kể so với mức giảm 3% mà IMF dự báo trong báo cáo trước đó hồi tháng 4. Bản báo cáo cập nhật của IMF nêu rõ, tác động kinh tế của dịch COVID-19 trầm trọng hơn các dự báo trước đó và khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại.
Mỹ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy giảm tới 8% trong năm 2020, thậm chí giảm sâu hơn so với dự báo trước đó khi nền kinh tế nước này sẽ giảm 5,9%. Đây cũng là mức giảm lớn nhất của kinh tế Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Bên cạnh đó, Mexico sẽ hứng chịu mức suy giảm kinh tế tới 10,5%, mức tăng trưởng đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone là giảm 10,2% với GDP của Đức giảm 7,8%, Pháp giảm 12,5%, Italy giảm 12,8%. Trong đó, IMF cũng dự báo tăng trưởng Brazil sẽ giảm 9,1%, Nhật Bản giảm 5,8%...
Trung Quốc là quốc gia duy nhất được dự báo đạt tăng trưởng 1%, trong khi dự báo được đưa ra hồi tháng 4 trước đó cho thấy, GDP nước này giảm 1,2%. Dự báo này được cho là phù hợp với dự báo trước đó của Ngân hàng thế giới WB. Theo đó, tổ chức này dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 5,2% trong năm 2020.
Dự báo cho năm 2021, có 2 kịch bản xảy ra, trong trường hợp xấu bùng phát đợt dịch mới vào đầu năm tới, tăng trưởng toàn cầu sẽ dừng lại ở mức 0,5%. Ở kịch bản tươi sáng hơn, các biện pháp kích thích kinh tế sẽ phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng đạt mức 8,4% trong năm 2021.
IMF cho biết các điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế này phản ánh khả năng các biện pháp cách ly xã hội sẽ vẫn được áp dụng trong nửa cuối năm nay nhằm phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động và hoạt động của các chuỗi cung ứng.
Với các quốc gia vẫn có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao, việc kéo dài các biện pháp phong toả sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến các hoạt động kinh tế. sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường lao động trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những người lao động phổ thông với các công việc không thực hiện được từ nhà. Sự sụt giảm số giờ làm trong quý 2/2020 tương đương với việc có hơn 300 triệu việc làm toàn thời gian bị mất trên thế giới.
Đồng thời, IMF cũng cảnh báo chính phủ các quốc gia sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ công mới khi các nền kinh tế đang sử dụng các gói kích thích kinh tế quy mô khổng lồ để chống lại các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Kịch bản sơ bộ của IMF cho thấy quy mô nợ công trên toàn cầu trong năm 2020 và 2021 sẽ đạt mức cao kỷ lục, lần lượt đạt 101,5% và 103,2% quy mô GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, mức thâm hụt ngân sách bình quân trên toàn cầu sẽ chạm mức 13,9% so với quy mô GDP trong năm nay, cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019.
Tuy nhiên, dường như dự báo của IMF cũng như WB vừa qua chưa tính đến việc đến thời điểm cuối quý 2 này, dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường ở nhiều nơi trên thế giới, ngay cả tại Mỹ khi một số bang bắt đầu mở cửa trở lại hoặc ở Trung Quốc, khi xuất hiện trở lại những ca bệnh từ cộng đồng tại Bắc Kinh và chính quyền đã phải phong tỏa một số khu vực của thủ đô. Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn đang thảo luận về mối đe dọa của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai có thể xảy ra ngay trong năm nay. Khi đó, kinh tế thế giới không những có thể giảm sâu hơn trong năm 2020 mà còn chưa thể hồi phục trở lại trong năm 2021 như trong báo cáo cập nhật lần này của IMF.
Tóm lược thị trường trong nước từ 22/06 - 26/06
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 22/06 - 26/06, tỷ giá trung tâm không biến động nhiều khi được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 26/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.232 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 26/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.207 VND/USD, giảm nhẹ 05 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 26/06, tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.180 – 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 22/06 - 26/06, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 26/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,19% (không thay đổi); 1W 0,28% (-0,03 đpt); 2W 0,39% (-0,04 đpt); 1M 0,66% (-0,15 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH cũng tiếp tục giảm nhẹ trong tuần qua. Cuối phiên 26/06, lãi suất USD LNH đứng ở mức ON 0,19% (-0,01 đpt); 1W 0,29% (-0,01 đpt); 2W 0,37% (-0,02 đpt) và 1M 0,58% (-0,04 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 22/06 - 26/06, NHNN đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 5 phiên, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN huy động được 10.480/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 87%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm chỉ huy động 130/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 3.600/3.750 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 20 năm đều huy động được toàn bộ lần lượt 6.000 tỷ đồng và 750 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,95% (+0,03%), kỳ hạn 10 năm tại 2,98% (-0,03%); kỳ hạn 15 năm tại 3,15% (không đổi), kỳ hạn 20 năm tại 3,42% (-0,01%).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.297 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực từ mức 8.014 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 26/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,49% (-0,03 đpt); 2 năm 0,83% (-0,04 đpt); 3 năm 1,3% (-0,06 đpt); 5 năm 1,97% (-0,08đpt); 7 năm 2,54% (0 đpt); 10 năm 2,99% (-0,02 đpt); 15 năm 3,16% (-0,01 đpt); 30 năm 3,64% (-0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến đà giảm điểm của các chỉ số ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên cuối tuần 26/06, VN-Index dừng ở mức 851,98 điểm, giảm 16,58 điểm (-1,91%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,91 điểm (-1,66%), xuống mức 113,45 điểm; UPCOM-Index tăng 0,07 điểm (+0,12%) lên mức 56,41 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 5.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại quay trở lại bán ròng với giá trị gần 194 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều tuần qua. Đầu tiên, GDP Mỹ chính thức giảm 5,0% trong quý 1 năm nay, không thay đổi so với thống kê sơ bộ. Về thị trường bất động sản, doanh số bán nhà cũ tại nước này ở mức 3,91 triệu căn trong tháng 5, thấp hơn so với mức 4,33 triệu căn của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 4,15 triệu căn.
Tuy nhiên doanh số bán nhà mới tháng 5 lại đạt 676 nghìn căn, cao hơn 580 nghìn của tháng 4 và 637 nghìn theo dự báo. Tiếp theo, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ lần lượt ở mức 49,6 và 46,7 điểm trong tháng 6; cùng tăng so với 39,8 và 37,5 điểm của tháng 5. Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền chung lần lượt tăng 4,0 và 15,8% m/m trong tháng 5; sau khi sụt giảm 7,7% và 17,7% ở tháng 4; đều cao hơn so với dự báo lần lượt tăng 2,4% và 10,3%.
Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/06 ở mức 1,48 triệu đơn, thấp hơn so với tuần trước đó ở mức 1,508 triệu song vẫn cao hơn so với dự báo ở mức 1,32 triệu.
Khu vực Eurozone, đặc biệt là nước Đức, đón một số thông tin kinh tế tích cực. PMI lĩnh vực sản xuất của Eurozone và nước Đức nói riêng lần lượt ở mức 46,9 và 44,6 điểm, cao hơn so với 39,4 và 36,6 điểm của tháng 4; đồng thời cùng vượt dự báo ở mức 43,8 và 41,5 điểm. Tiếp theo, niềm tin kinh doanh tại nước Đức tháng 6 ở mức 86,2 điểm; tăng so với 79,5 điểm của tháng 5 và vượt qua mức kỳ vọng 85,0 điểm. Đây là mức tăng niềm tin kinh doanh mạnh nhất từng được ghi nhận của nước này.
Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại nước Đức ở mức -9,6 điểm trong tháng 7, tiếp tục tăng lên từ mức -18,6 điểm của tháng 6 và -23,4 điểm của tháng 5. Trong một buổi phát biểu cuối tuần về kinh tế khu vực, Chủ tịch NHTW châu Âu ECB – bà Christine Lagarde cho rằng Eurozone đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của dịch Covid-19.