Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 25-29/5
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5/2020 ở mức thấp nhất giai đoạn 2016 – 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 5 tháng tăng thấp nhất 10 năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. TCTK đánh giá, đây là những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động.
Phân tích về mức giảm 0,03% của CPI tháng 5/2020, TCTK cho biết có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 28/4/2020 và tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%).
Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%. Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01% chủ yếu do các cửa hàng thời trang đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34% (trong đó, lương thực giảm 0,08%; thực phẩm tăng 0,43%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%, chủ yếu do giá gas tăng 12,08% (làm CPI chung tăng 0,14%) và giá nước sinh hoạt tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,07%.
Riêng nhóm giáo dục không thay đổi. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 5/2020 giảm 1,24% so với tháng 12/2019 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Đối với sản xuất công nghiệp, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp bị suy giảm mạnh trong tháng 4 đã có tín hiệu tích cực trong tháng 5. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 5/2020 tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%), đóng góp 2 đpt vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, đóng góp 0,2 đpt; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%, đóng góp 0,1 đpt; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%, làm giảm 1,3 đpt trong mức tăng chung.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 36,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 16,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 6,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%;
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 13,8%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,1%; khai thác quặng kim loại tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,6%; khai thác than tăng 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,9%; đường kính giảm 25,4%; bia giảm 24,5%; xe máy giảm 15,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 10,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10,4%; sắt thép thô giảm 9,7%; quần áo mặc thường giảm 8,2%; giày, dép da giảm 6,7%; điện thoại di động giảm 5,4%; thức ăn cho gia súc giảm 5,3%; thép cán giảm 4,7%; tivi các loại giảm 3,1%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 18,1%; bột ngọt tăng 13,1%; thép thanh, thép góc tăng 12,1%; phân ure tăng 11,3%; xăng dầu các loại tăng 10,7%; thuốc lá điếu tăng 6,6%; than sạch tăng 5,8%.
Tóm lược thị trường trong nước từ 25/05 - 29/05
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 25/05 - 29/05, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm mạnh quan các phiên. Chốt phiên cuối tuần 29/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.261 VND/USD, tăng trở lại 19 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.
Tỷ giá LNH sau khi tăng 3 phiên đầu tuần đã giảm trở lại. Kết thúc phiên 29/05, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.280 VND/USD, giảm 27 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 29/05, tỷ giá tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.280 – 23.320 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 25/05 - 29/05, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn, tuy đà giảm đã chậm lại. Chốt phiên 29/05, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,35% (-0,08 đpt); 1W 0,60% (-0,03 đpt); 2W 0,80% (-0,04 đpt); 1M 1,45% (-0,05 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động nhẹ trong tuần. Cuối phiên 29/05, lãi suất USD LNH đứng ở mức ON 0,20% (không thay đổi); 1W 0,30% (+0,02 đpt); 2W 0,41% (không thay đổi) và 1M 0,66% (-0,07 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 25/05 - 29/05, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Có 2 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này, trong tuần không có đáo hạn. Như vậy, chốt tuần, có 2 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Trong tuần có 10.998 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 26.996 tỷ đồng.
Như vậy, NHNN bơm ròng 11.000 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN huy động thành công 4.707/8.500 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 55%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.707/3.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 3.000/3.500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất phát hành kỳ hạn 10 năm tại 2,9% - tăng 0,1% và kỳ hạn 15 năm tại 3,1% - tăng 0,12% so với phiên trước.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.245 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so mức 9.403 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 29-05, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,83% (-0,01 đpt); 2 năm 1,37% (+0,11 đpt); 3 năm 1,68% (+0,15 đpt); 5 năm 2,11% (+0,17đpt); 7 năm 2,73% (+0,17 đpt); 10 năm 3,1% (+0,13 đpt); 15 năm 3,25% (+0,11 đpt); 30 năm 3,69% (+0,06 đpt).
Thị trường chứng khoán: Các chỉ số thị trường biến động tích cực trong tuần qua. Kết thúc phiên 29/05, VN-Index dừng ở mức 864,47 điểm, tăng 11,73 điểm (+1,38%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,77 điểm (+2,59%), lên mức 109,81 điểm; UPCOM-Index tăng 0,79 điểm (+1,46%) lên mức 55,03 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 6.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng nhẹ với giá trị gần 57 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Trong những ngày vừa qua, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật an ninh HongKong nhằm cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu, đồng thời cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố. Sau đó, Mỹ và Anh tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Trung Quốc nghĩ lại bước đi này và gọi đây là thảm kịch đối với người dân HongKong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố HongKong không còn đủ sự tự chủ và Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình loại bỏ các chính sách ưu đãi đặc biệt về thương mại, du lịch, hải quan, dẫn độ dành cho HongKong lâu nay. Nhiều ý kiến quan ngại vấn đề này có thể gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong ngắn hạn và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong dài hạn nều Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang đối đầu trực diện.
Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, đầu tiên, báo cáo lần hai cho thấy GDP của nước này giảm 5,0% q/q trong quý 1, sâu hơn mức giảm 4,8% theo thống kê lần đầu đồng thời cũng là dự báo của các chuyên gia. Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền chung lần lượt giảm 7,4% và 17% m/m trong tháng 4 sau khi giảm 0,4% và 14,7% ở tháng trước đó, đều nhẹ hơn mức giảm 14,8% và 19% theo dự báo.
Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 23/05 ở mức 2,12 triệu đơn; thấp hơn mức 2,45 triệu đơn của tuần trước đó, tuy nhiên cao hơn dự báo ở mức 2,1 triệu đơn. Số nhà chờ bán tại Mỹ trong tháng 4 giảm 21,8% sau khi giảm 20,8% ở tháng 3, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo ở mức 15,0%. Chỉ số PCE của Mỹ giảm 0,4% m/m ở tháng 4 sau khi đ ingang (0,0% m/m) ở tháng trước đó, sâu hơn một chút so với mức giảm 0,3% theo dự báo. Cuối cùng, Đại học Michigan điều chỉnh kết quả khảo sát niềm tin tiêu dùng tại Mỹ xuống còn 72,3 điểm trong tháng 5, trái với dự báo không thay đổi ở mức 73,7 điểm như kết quả sơ bộ.
Chính phủ Nhật Bản ngày 27/05 đã soạn thảo gói kích thích kinh tế trị giá 117 nghìn tỷ JPY tương đương 1100 tỷ USD nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Gói kích thích này sẽ bao gồm các biện pháp như tăng chi cho y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ những sinh viên bị mất công việc làm thêm và tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị giảm doanh thu. Thủ tướng Nhật Bản dự định trình dự định trình Quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách bổ sung vào ngày 12/06 tới.
Tại Eurozone, Ủy ban Châu Âu EC ngày 27/05 đề xuất gói ngân sách của EU trị giá 1100 tỷ EUR bao gồm một quỹ phục hồi kinh tế với 750 tỷ EUR. Trong gói 750 tỷ này, EC nêu rõ 500 tỷ sẽ dành để tài trợ và 250 tỷ còn lại sẽ là cho vay. Quỹ này sẽ được EC huy động trên thị trường tài chính và chuyển cho các nước theo mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các nước dự tính được hỗ trợ nhiều nhất là Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Tuy nhiên bốn nước khác vẫn giữ quan điểm khắt khe trong việc sử dụng ngân sách EU là Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với kế hoạch này.