Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 31/8 - 4/9
Tổng quan:
Vấn đề trên thị trường tài chính trong nước được nhắc đến nhiều trong tuần qua là việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động, nâng kỳ vọng của thị trường vào việc cắt giảm lãi suất tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ tăng nợ xấu tiềm ẩn trong hệ thống.
Tuần qua, các NHTM đã tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,4%, tập trung vào các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Nhóm bốn NHTM lớn là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank giảm lãi suất huy động đến 0,2% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Đối với kỳ hạn trên 12 tháng, Vietcombank và Agribank đều giảm từ 0,2% - 0,3% so với đầu tháng. Các NHTMCP tầm trung cũng giảm lãi suất huy động, nhất là ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Trước đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại NHTM đã giảm trong tháng 8/2020. Các ngân hàng lớn nêu trên giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3,7% xuống 3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4% xuống 3,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 4,6% xuống 4,50%/năm...
Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian gần đây được cho là do thanh khoản của các NHTM khá dồi dào, trong khi do tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng khá chậm. Đến thời điểm này, nhìn chung tốc độ tăng của huy động vốn của toàn hệ thống đang cao hơn tốc độ tăng của tín dụng, các ngân hàng khá nhiều vốn nhàn rỗi. Mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm khiến nhiều người có thể cho rằng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn.
Đáng chú ý là, thị trường vàng “dậy sóng” thời gian gần đây khi đạt đỉnh 2.080 USD/ounce và đang duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/lounce. Giá vàng trong nước có thời điểm vượt trên 60 triệu đồng/lượng, hiện vẫn trên 56 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn tiền tiết kiệm vẫn tiếp tục được đổ vào ngân hàng. Điều này được chứng minh qua tăng trưởng huy động vốn của ngành ngân hàng nói chung và các NHTM nói riêng trong 8 tháng đầu năm nay. Mặc dù có nhà đầu tư chạy theo vàng và một số tài sản sinh lời khác trong thời gian qua, nhưng phần lớn các chuyên gia nhận định, tâm lý chung của người dân vẫn ở thế “thủ”, chứ không phải chỉ chú ý tới sinh lời trong thời điểm khó khăn này. Đó là lý do nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng bất chấp vàng cao giá.
Các chuyên gia nhận định, khi dịch Covid còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia chủ trương kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… những tháng cuối năm nay, các TCTD sẽ có xu hướng giảm lợi nhuận biên, để giảm thêm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế và DN phục hồi sau dịch. Mặt bằng lãi suất giảm, cộng thêm dịch bệnh trong nước được kiểm soát khá tốt, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa giao thương trở lại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cầu tín dụng tăng. Tuy vậy, mức độ cải thiện tín dụng sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng đầu tư.
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, khối phân tích tại SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5% - 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của NHNN là 11% -14%. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về mức độ gia tăng của nợ xấu.
Theo SSI, nếu Covid-19 được kiểm soát giữa năm 2021, thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm sau. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022. SSI ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% và 14% trong năm 2020 và 2021 (so với mức giảm 16,3% năm 2019). Ngoài ra, các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các NHTM.
Tóm lược thị trường trong nước từ 31/08 - 04/09
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 31/08 - 04/09, sau khi điều chỉnh tăng 2 phiên đầu tuần, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm giảm trở lại ở 2 phiên cuối tuần. Vì vậy, chốt phiên 04/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.206 VND/USD, tăng nhẹ 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.175 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.852VND/USD.
Tỷ giá LNH vẫn tiếp tục gần như không biến động trong tuần vừa qua, phiên cuối tuần 04/09 đóng cửa tại 23.175 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua cũng chỉ biến động nhẹ. Chốt tuần 04/09, tỷ giá giữ nguyên ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.190 – 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 31/08 - 04/09, lãi suất VND LNH duy trì mức biến động nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 04/09, lãi suất VND LNH không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch quanh mức: ON 0,19%; 1W 0,28%; 2W 0,34%; 1M 0,53%.
Tương tự, lãi suất USD LNH cũng biến động nhẹ trong tuần qua ở tất cả các kỳ hạn. Cuối phiên 04/09, lãi suất USD LNH đứng ở mức ON 0,18 (không thay đổi); 1W 0,24% (-0,01 đpt); 2W 0,33% (không thay đổi) và 1M 0,49% (+0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 31/08 - 04/09, NHNN vẫn tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 4 phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN huy động được 7.782/8.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 97%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 20 năm huy động toàn bộ lần lượt 750 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng và 500 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động 2.032/2.250 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,68%/năm (-0,02% so với phiên đấu thầu trước); kỳ hạn 10 năm tại 2,9%/năm (không đổi); kỳ hạn 15 năm tại 3,07%/năm (không đổi); kỳ hạn 20 năm tại 3,36%/năm (+0,02%). Trong tuần qua có 2 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Trong tuần này từ 07/09-11/09, KBNN dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng, giảm so với mức 8.000 tỷ đồng của tuần trước đó. Trong tuần này chỉ có 50 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.199 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 6.965 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 04/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,34% (+0,02 đpt); 2 năm 0,47% (+0,01 đpt); 3 năm 0,77% (không đổi); 5 năm 1,72% (+0,01đpt); 7 năm 2,23% (+0,02 đpt); 10 năm 2,9% (+0,01 đpt); 15 năm 3,08% (không đổi); 30 năm 3,51% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tích cực trong tuần 31/08 - 04/09, VN-Index đã vượt mốc 900 điểm. Kết thúc phiên cuối tuần 04/09, VN-Index đạt 901,54 điểm, tăng mạnh 22,56 điểm (+2,57%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 0,31 điểm (+0,25%), lên mức 126,15 điểm; PCOM-Index giảm 0,44 điểm (-0,74%) xuống mức 58,89 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức ở mức cao với giá trị giao dịch đạt gần 7.300 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với tổng giá trị hơn 250 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, bên cạnh đó nước này cũng đưa thông tin về việc tung ra vaccine ngăn ngừa Covid-19. Trong tuần vừa qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ USTR thông báo nước này sẽ rút ngắn thời gian miễn thuế cho các mặt hàng của Trung Quốc, bao gồm đồng hồ thông minh và khẩu trang y tế, sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2020, thay vì 2021 như trước. Ngoài ra, Washington cũng phát đi cảnh báo có thể tăng thuế nếu Bắc Kinh không nghiêm túc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Ở phía ngược lại, Trung Quốc chưa có ý kiến phản hồi đối với thông tin này từ Mỹ. Song, Bắc Kinh vừa đưa ra quy định việc bán các công ty công nghệ ra nước ngoài cần được sự thông qua của Chính phủ, điều có thể giúp trì hoãn kế hoạch thâu tóm Tiktok của Washington. Liên quan đến dịch Covid-19, ngày 03/09, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ CDC yêu cầu các bộ phận y tế tại các bang của Mỹ chuẩn bị khả năng phân phối vaccine Covid-19 đến các nhóm có nguy cơ bị lây nhiễm cao, thời gian áp dụng nhanh nhất có thể vào cuối tháng 10, ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra ngày 03/11.
Đối với các thông tin trên, thị trường cho rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đang tăng tốc trong quá trình bầu cử, nhất là đối với các vấn đề ngoại giao và y tế, trong bối cảnh kinh tế Mỹ cho thấy sự phục hồi đáng ghi nhận kể từ sau khi bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.
Nước Mỹ tuần qua đón nhiều thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ được ISM khảo sát ở mức 56,0% trong tháng 8; tăng so với 54,2% của tháng 7 và lớn hơn mức 54,6% theo kỳ vọng.
Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực phi sản xuất tháng 8 ở mức 56,9%; thấp hơn một chút so với 58,1% của tháng 7 và sát với dự báo ở mức 57,0%. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này tăng 6,4% m/m trong tháng 7, nối tiếp đà tăng cũng ở mức 6,4% của tháng trước đó, và đồng thời tích cực hơn mức tăng 6,0% theo dự báo. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ ở mức 881 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 29/08, giảm tương đối mạnh từ mức 1,011 triệu đơn của tuần trước đó, đồng thời xuống thấp hơn so với mức 955 theo dự báo. Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 8, nối đà tăng 0,1% của tháng 7 và trái với dự báo đi ngang (0,0%) của các chuyên gia. Quốc gia này tăng thêm 1,371 triệu việc làm phi nông nghiệp trong tháng 8, thấp hơn so với mức 1,734 triệu của tháng 7 nhưng vẫn đạt so với kỳ vọng ở mức 1,375 triệu.
Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 8,4% trong tháng vừa qua từ mức 10,2% của tháng 7; tích cực hơn rất nhiều so với kỳ vọng ở mức 9,8%.
NHTW Úc RBA không thay đổi LSCS, ngoài ra nước này cũng đón nhận kết quả không tốt về tình hình kinh tế quý 2. Trong cuộc họp tuần vừa qua, RBA vẫn giữ LSCS ở mức 0,25%; và cũng cam kết sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ thị trường lao động, thu nhập của người dân và tình hình chung của các doanh nghiệp quốc nội. RBA vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ không tăng LSCS cho tới khi phát triển tối đa thị trường lao động và lạm phát được ổn định ở mức 2% tới 3%.
Về các chỉ báo kinh tế, GDP Úc quý 2 cho thấy mức giảm 7,0% q/q, nối đà giảm 0,3% của quý 1 và sâu hơn so với dự báo chỉ giảm ở mức 6,0%. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của Úc tăng 3,2% m/m trong tháng 7, xấp xỉ kết quả của tháng 6 và cũng là dự báo của các chuyên gia ở mức 3,3%. Số cấp phép xây dựng nhà ở tại Úc tăng 12,0% m/m trong tháng 7 sau khi giảm 4,2% ở tháng 6, trái với dự báo tiếp tục giảm 0,9%.