“Điểm nghẽn” nguồn nhân lực cho miền Trung
Thiếu hụt nguồn nhân lực
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, bao gồm 14 tỉnh thành, là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trong bức tranh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng của đất nước. Với tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, biển cả cũng như lợi thế về vị trí địa lý, khu vực này có thể trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước.
Tuy nhiên dù có nhiều lợi thế, sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn chưa thực sự bứt phá. Một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ rằng, dù khu vực này có tiềm năng lớn, song sự phát triển hiện tại chưa tương xứng với kỳ vọng. Các nguyên nhân có thể kể đến như chất lượng đào tạo nhân lực không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thiếu sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, cũng như sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các trường đại học tại đây phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu nguồn lực đầu tư và không đủ sức thu hút các học viên chất lượng cao.
Các cơ sở giáo dục cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. |
Hiện nay, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 44 cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phần lớn các trường này vẫn tồn tại trong tình trạng quy mô nhỏ, thiếu tính đồng bộ và chưa có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cũng như chương trình đào tạo. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế lại đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng đáp ứng được những yêu cầu công nghệ hiện đại và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, những năm qua, dù có sự gia tăng số lượng các trường đại học, nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa theo kịp đà phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nghiêm trọng là cơ cấu đào tạo của các trường đại học trong vùng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận xét, tỷ lệ sinh viên theo học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tại các trường đại học trong vùng còn thấp hơn nhiều so với mức bình quân toàn quốc. Trong khi đó, những ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng như cơ khí, hóa dầu, và các ngành công nghiệp chế biến cần một lượng lớn lao động tay nghề cao. Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các ngành này đã và đang là một rào cản lớn trong việc phát triển bền vững nền kinh tế vùng.
Đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn
Để giải quyết những “điểm nghẽn” này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không thể chờ đến khi thị trường lao động có nhu cầu mới bắt đầu đào tạo nhân lực, mà phải có sự chuẩn bị trước. GS. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế chỉ có thể thành công khi có sự chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao từ trước. Ông khẳng định, kinh tế không thể phát triển nhộn nhịp nếu không có một lực lượng lao động dồi dào và chất lượng cao. Việc đào tạo phải được thực hiện trước khi thu hút đầu tư, chứ không phải chờ đến khi có nhu cầu mới bắt tay vào đào tạo.
Để có thể giải quyết bài toán nhân lực cho khu vực, TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các nhà quản lý giáo dục và doanh nghiệp cần phải có cái nhìn chiến lược và đồng bộ. Cụ thể, việc nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện đội ngũ giảng viên, xây dựng các chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của thị trường là rất cần thiết. Các chương trình đào tạo cần tập trung vào những ngành nghề mới, những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng cần phải thiết lập cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp, nhằm cung cấp nguồn lao động ngay từ khi các doanh nghiệp bắt đầu triển khai dự án tại địa phương.
Đào tạo nguồn nhân lực phải đi đôi với phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung. |
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, các doanh nghiệp trong vùng cũng cần chủ động đầu tư vào công tác đào tạo nghề cho nhân viên. Một cơ chế khuyến khích người lao động tham gia nghiên cứu, sáng tạo cũng sẽ tạo ra môi trường làm việc năng động, phát huy được tiềm năng sáng tạo của lực lượng lao động. Về phía chính quyền, các chính sách ưu đãi cũng cần được xây dựng để thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến làm việc tại các địa phương. Đồng thời, chính quyền cũng cần tạo ra môi trường sống tốt hơn, tăng cường chất lượng dịch vụ công cộng và nâng cao thu nhập để thu hút nhân tài.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, việc thực hiện các chỉ đạo trong Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là rất quan trọng. Nghị quyết này đã xác định vùng này là “mạnh về biển, giàu từ biển”, đồng thời chỉ rõ việc đào tạo nguồn nhân lực phải đi đôi với việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Các cơ sở giáo dục trong vùng cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế, tăng cường năng lực giảng viên và cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng không chỉ giúp khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Điều này, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái giáo dục - đào tạo - việc làm mạnh mẽ, vững chắc ở khu vực trong thời gian đến.