Diễn biến tỷ giá phù hợp với xu hướng
Cân đối cung cầu ngoại tệ về cơ bản vẫn tương đối thuận Thấy gì qua diễn biến tỷ giá |
Đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,9% so với đầu năm. Đây cũng là mức tăng tương đối mạnh chỉ trong thời gian ngắn. Tuy vậy, mức tăng này vẫn thấp nếu so với xu hướng mất giá chung của các đồng tiền khác trên thế giới, thậm chí cả những đồng ngoại tệ mạnh. So với USD, bath Thái mất 7,12%; Yên Nhật mất 9,69%; Won Hàn Quốc mất giá 7,71%; ringgit Malaysia mất 4,36%... Hay Franc Thụy Sỹ mất giá 8,2%...
Việc tỷ giá liên tục điều chỉnh tăng nhận được sự quan tâm tại buổi Họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý I/2024 của NHNN. Nguyên nhân tỷ giá tăng trong thời gian gần đây được ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN chia sẻ, do chỉ số DXY tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của nhiều nước, không riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh. Ngoài ra, chính sách giảm lãi suất trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, khiến lãi suất VND ở mức âm so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, từ đó cũng tạo áp lực đến tỷ giá.
Trước diễn biến thị trường ngoại tệ quốc tế và trong nước, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND. Qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD; thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; .
Giới chuyên môn cũng đánh giá diễn biến tỷ giá hiện nay phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của NHNN. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi Việt Nam là nền kinh tế mở, chịu tác động diễn biến kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, NHNN đã có những phản ứng chính sách kịp thời để kiểm soát tỷ giá như hút thanh khoản bằng phát hành tín phiếu. Sắp tới, trong trường hợp cần thiết nhà điều hành sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
Thêm một giải pháp mới nhất với thị trường ngoại tệ được ông Phạm Chí Quang chia sẻ, từ ngày 19/4 NHNN công khai việc bán can thiệp ngoại tệ với các TCTD có trạng thái giao dịch ngoại tệ âm, để chuyển trạng thái này về mức 0. Giá bán can thiệp của nhà điều hành là 25.450 đồng/USD. “Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN đảm bảo giải tỏa tâm lý cho thị trường, khơi thông nguồn cung ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản thông suốt, đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế”, ông Quang nói và cho biết ngay sau khi NHNN công bố các biện pháp này, tâm lý thị trường đã được bình ổn, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường đã về dưới mức bán ra của NHNN.
Về định hướng chính sách tỷ giá trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN điều hành theo hướng đảm bảo ổn định nhưng không cố định, lên xuống phù hợp với tình hình để tránh những tác động mạnh của thế giới và tạo sự cân đối hài hòa. Bên cạnh sử dụng công cụ điều hành tỷ giá trung tâm, NHNN sẽ quản lý quán xuyến thị trường ngoại tệ để làm sao đảm bảo cung - cầu ngoại tệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp kể cả trong và ngoài nước. Qua đó phục vụ tốt hơn lưu chuyển dòng vốn ra vào. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể sử dụng nguồn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để can thiệp đảm bảo điều hành tỷ giá như mục tiêu đặt ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Không loại trừ khả năng NHNN phải sử dụng dự trữ ngoại hối can thiệp khi thị trường có biến động, nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, NHNN đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành chính sách tỷ giá bằng nhiều nguồn lực, công cụ sẽ sớm giảm áp lực lên tỷ giá.
Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo cán cân tổng thể trong năm 2024 thặng dư khoảng 10-12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến quý I/2024 tích cực hơn và sẽ còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá của ngân hàng sẽ giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ không còn thấp như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng sẽ là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024.