Dòng vốn FDI đang tăng về chất
[Infographic] FDI 11 tháng năm 2021 | |
Chung tay để sớm trở lại trạng thái bình thường |
Niềm tin vững chắc của nhà đầu tư
Tính đến hết ngày 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.577 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy giảm 32,8% về số lượng dự án so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại tăng 3,76%, đạt gần 14,1 tỷ USD. Nguyên nhân giảm về số lượng dự án là do chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam, theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ.
Dòng vốn FDI tại Việt Nam đang có đà tăng tích cực |
Ông Thue Quistthomasen - Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam nhận định, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực, các doanh nghiệp châu Âu vẫn tính đến việc tuyển dụng thêm lao động, mở rộng đầu tư tại Việt Nam ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay. Điều này đã cho thấy niềm tin đối với thị trường, môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
“Nhà đầu tư đang dịch chuyển dòng vốn do lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam rất chăm chỉ, Việt Nam lại có môi trường kinh doanh, chính sách tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát, đã ký kết nhiều FTA với các nước lớn, chi phí cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines… là những lý do giúp Việt Nam vẫn thu hút được nhiều vốn FDI kể cả trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Tim Evans - Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam lý giải.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nền kinh tế đang có sự hồi phục rõ rệt sau chính sách mở cửa, thích ứng linh hoạt với đại dịch, cầu nội địa tăng trở lại, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều biện pháp để doanh nghiệp khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư công được đẩy mạnh, doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn… sẽ là những cơ sở vững chắc để nhà đầu tư thêm tin tưởng và lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong thời gian tới.
Triển vọng tích cực
Triển vọng thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực khi nhiều dự án và thỏa thuận đầu tư tiếp tục được ký kết. Cụ thể, trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã có 44 thỏa thuận hợp tác, trị giá hàng tỷ USD được ký kết. Trong số đó, có thỏa thuận hợp tác đầu tư Nhà máy Điện Lạng Sơn, trị giá 1,75 tỷ USD; thỏa thuận phát triển dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc, trị giá 500 triệu USD; thỏa thuận hợp tác phát triển Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng), trị giá 250 triệu USD; biên bản ghi nhớ về việc Tập đoàn AEON xây dựng AEON Mall, 170 triệu USD, tại Thừa Thiên - Huế… Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Nhật Bản cũng khẳng định sự quan tâm và đề xuất các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Ngay sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lên đường công du Thụy Sỹ và Liên bang Nga. Chủ tịch nước đã chia sẻ nhiều tiềm năng đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết trong các FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao, bao gồm giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các chuyên gia cho rằng điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hồi phục và mở cửa trở lại.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh (BCSI) phân tích, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam có nhiều gian nan nhưng vẫn không ít điểm sáng. Cụ thể, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát dự báo trên dưới 2%, tăng trưởng xuất khẩu khả quan, tăng trưởng kinh tế cuối năm 2021, đầu năm 2022 tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực… là những điều kiện để dòng đầu tư FDI tiếp tục tăng trong tháng 11 và những tháng tới.
Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, để tiếp tục duy trì đà tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu kiến nghị, trong bối cảnh doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang trong quá trình tái khởi động, Chính phủ nên có một cơ chế đặc thù cho 2 năm tiếp theo, với việc rút gọn thủ tục hành chính, hạn chế hoạt động thanh kiểm tra và đẩy mạnh các dịch vụ lên nền tảng trực tuyến.
Ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu không có giải pháp để khôi phục nền kinh tế, tạo ra thị trường, tạo ra các cơ hội mới, thì các nhà đầu tư sẽ rất băn khoăn và chậm nhịp đến với Việt Nam. Khôi phục kinh tế sẽ tạo ra thị trường, các cơ hội mới. Đây là giai đoạn cần nhìn nhận và đánh giá lại. Cần tạo ra sự ổn định trong nước, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.