Dư nợ cho vay ký quỹ tiếp tục lập đỉnh
Theo thống kê của của FiinTrade (thành viên FiinGroup) thông qua báo cáo tài chính quý II/2024 của 62 công ty chứng khoán (đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành), dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 218.900 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2023 và 11,5% so với cuối quý I/2024. Đây là mức dư nợ cho vay margin cao nhất trong lịch sử.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin tăng thấp hay thậm chí giảm ở nhóm công ty chứng khoán có tệp khách hàng cá nhân lớn (bao gồm: VPS, CTCK VPBank, MBS…) trong khi tăng mạnh ở nhóm phục vụ khách hàng tổ chức.
FiinTrade cho biết, đến thời điểm cuối quý II/2024, tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ cho vay margin/tổng vốn hóa) đã tăng lên mức 9,4%, tăng thêm gần 1% so với quý trước đó. Cụ thể, quy mô vốn hóa (tính theo tỷ lệ free-float) giảm nhẹ 1.400 tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay tăng mạnh 22.600 tỷ đồng.
Tỷ lệ dư nợ margin trên tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tính đến cuối quý II vừa qua đạt mức 0,88 lần và là quý thứ 6 tăng liên tiếp. Điều này cho thấy dư địa đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay margin vẫn còn khá nhiều nếu chỉ xét trên quy mô vốn chủ sở hữu.
Đến cuối quý II các CTCK ghi nhận số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm trong khi số lương tài khoản mở mới vẫn đang tăng |
Thống kê của FiinTrade cũng cho biết, đến hết quý II/2024 lần đầu tiên sau 4 quý, số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm, mặc dù số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới vẫn duy trì đà tăng.
Trong cả quý II/2024, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 39.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, vượt xa phần dư nợ margin tăng thêm trong cùng quý (22.600 tỷ đồng).
Danh mục mua ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là các cổ phiếu đầu ngành và cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán ròng của khối ngoại. Trong đó, tập trung ở nhóm Vingroup (bao gồm VHM, VRE, VIC), ngân hàng (STB, MSB, VCB, CTG, HDB, BID), chứng khoán (VND, VCI, SSI), FPT, VNM, GAS, DGC…