Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh
Phát biểu tại "Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023" tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích to lớn và lâu dài. Theo bà Ngọc có hai yếu tố quan trọng trong phát triển xanh là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Cùng với Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh.
Điểm nổi bật nhất của chiến lược tăng trưởng xanh là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để chúng ta thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với chuyển đổi các mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc ở bên ngoài, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thị trường tín dụng xanh đã được thúc đẩy trong những năm vừa qua thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của NHNN như hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các TCTD thực hiện tín dụng xanh thông qua đàm phán, ký kết các chương trình, ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
NHNN đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia; ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2030, tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho các TCTD ...
Theo thống kê của NHNN, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Trong Báo cáo điểm lại tháng 8 năm 2023, Ngân hàng Thế giới ước tính, riêng tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm để Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thải các-bon và nâng cao khả năng chống chịu có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022- 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.
Về huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường tài chính, Thạc sĩ Trần Đình Nuôi, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay huy động vốn qua thị trường tài chính cho tăng trưởng xanh được thực hiện khá thành công ở một số quốc gia phát triển (Anh, Đức, Hàn Quốc...) thông qua các sản phẩm như trái phiếu xanh hoặc qua các chỉ số xanh, chương trình tín dụng xanh từ hệ thống các ngân hàng.
Gợi ý các chính sách cho Việt Nam, theo Thạc sĩ Trần Đình Nuôi, trước hết cần phát triển trái phiếu xanh để tạo ra công cụ thu hút nguồn vốn xã hội cho các dự án, chương trình xanh. Cùng với đó, phát triển ngân hàng xanh là định hướng phát triển chung của ngân hàng ở các nước phát triển và đang phát triển.
Về lâu dài, để phát triển thành công thị trường vốn xanh tại Việt Nam, cần có các nhóm giải pháp hỗ trợ để chuẩn hóa khung tiêu chí đánh giá, tạo cầu cho các sản phẩm tài chính xanh; phát triển hơn nữa sự hình thành và tham gia của các quỹ đầu tư thông qua việc xây dựng cơ chế thuế…
Thạc sĩ Trần Đình Nuôi dẫn chứng, hiện Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển chỉ số xanh. Thông tư 155/2015-TT-BTC của Bộ Tài chính yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin về phát triển bền vững góp phần nâng cao ý thức, tạo ra cơ sở dữ liệu của công ty liên quan đến phát triển bền vững. Thêm vào đó, thông qua cuộc thi chấm điểm và trao giải cho báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết, đã giúp thiết lập cơ chế hợp tác với nhiều đối tác độc lập và có chuyên môn, uy tín cao. Nếu được xây dựng và công bố trong thời gian tới, Việt Nam có thể trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Dương có chỉ số xanh. Điều này góp phần làm tăng danh tiếng và uy tín của thị trường tài chính Việt Nam, đồng thời giúp cho nhà quản lý thường xuyên theo dõi và báo cáo về tất cả các ngành nghề cũng như tác động về môi trường. Về dài hạn, chỉ số xanh có thể được sử dụng làm cơ sở cho các sản phẩm tài chính liên quan đến vấn đề xanh hóa.