Kiên Giang: Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang, các quý đầu năm 2023 vừa qua, hệ thống các TCTD tại địa phương này đã tập trung chủ yếu nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tại địa bàn. Trong đó, hầu hết dư nợ cho vay đều tập trung vào các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Cụ thể, đến cuối tháng 7/2023 các ngân hàng tại Kiên Giang đã cho vay với tổng dư nợ 119.800 tỷ đồng, tăng hơn 5% so cuối năm 2022.
Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực có tỷ trọng dư nợ cho vay lớn nhất (49,5% tổng dư nợ) với khoảng 58.800 tỷ đồng. Trong số này, có khoảng gần 54.200 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay ưu đãi lãi suất theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ; 221 tỷ đồng cho vay đối với các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong 7 tháng vừa qua, hệ thống TCTD tại Kiên Giang cũng tập trung khá mạnh nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu. Theo đó, hai lĩnh vực có thế mạnh tại Kiên Giang là thủy sản và lúa gạo lần lượt được các ngân hàng cho vay với dư nợ trên 6.200 tỷ đồng và 818 tỷ đồng (tính đến hết tháng 7/2023).
Bên cạnh đó, các ngân hàng tại Kiên Giang cũng đã cho vay khoảng 18.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Tỷ trọng dư nợ cho vay ưu tiên đối với nhóm doanh nghiệp này đạt khoảng 15% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh tín dụng thương mại, tính đến cuối tháng 7/2023, dư nợ tín dụng chính sách tại Kiên Giang cũng tăng trưởng khá cao, tổng dư nợ đạt mức trên 5.200 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2022 |
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang, để triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các tháng vừa qua, hệ thống ngân hàng tại Kiên Giang cũng đã khá tích cực trong việc cho vay vốn ưu đãi lãi suất theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP VÀ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ).
Theo đó, đến hết tháng 7/2023, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Kiên Giang đã giải ngân khoảng 288,9 tỷ đồng vốn cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, tổng dư nợ chương trình này đạt khoảng 275,3 tỷ đồng với 518 khách hàng vay vốn. Vừa qua, UBND cũng đã báo cáo Bộ Xây dựng đề xuất cho vay khoảng gần 1.700 tỷ đồng đối với 2 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện tiếp cận vốn theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Riêng về kết quả hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến hiện nay, các TCTD tại Kiên Giang đã hỗ trợ được 13 khách hàng với doanh số cho vay được hỗ trợ là hơn 622,5 tỷ đồng. Các ngân hàng tại Kiên Giang cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN) với 86 khách hàng. Giá trị nợ đã được cơ cấu là khoảng gần 274 tỷ đồng.