Kinh tế Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế toàn cầu
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham gia phiên họp |
Năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng 4,57%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61% (quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, 9 tháng tăng 3,38%, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động, 9 tháng tăng 6,32%; thu hút được 8,9 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu cả năm. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68% (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng; là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất giảm tích cực, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022; thị trường ngoại hối và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được duy trì, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Tiếp tục chú trọng xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; tập trung cơ cấu lại, phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; xử lý, tháo gỡ hiệu quả nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh;
Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược. Đề xuất cấp có thẩm quyền thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quy định liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tích cực tháo gỡ khó khăn, đưa nhiều dự án điện có vai trò quan trọng đi vào vận hành như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện BOT Vân Phong 1... Tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và các ngành, lĩnh vực mới. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế; nâng cao đời sống Nhân dân...
Vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các hạn chế, khó khăn trong các lĩnh vực; tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,24% so với cùng kỳ, thấp hơn kịch bản Chính phủ đề ra đầu năm; trong đó công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, giá trị tăng thêm 09 tháng tăng 1,65% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,2%). Thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; đầu tư của khu vực ngoài nhà nước 9 tháng chỉ tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10%). Chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; giá xăng dầu, lương thực... biến động mạnh là vấn đề cần lưu ý.
Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ. Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm. Các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản.
Việc triển khai một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; một số chính sách, quy định về đất đai, nhà ở còn bất cập, là rào cản trong huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng thiếu điện cục bộ vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6 tại miền Bắc dù được giải quyết kịp thời nhưng vẫn ảnh hưởng nhất định tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân...
Toàn cảnh phiên họp |
Vượt qua “những cơn gió ngược”
Trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đưa ra đánh giá giữa kỳ, Chính phủ cho biết, sau nửa nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018.
Nổi bật là tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; trong đó có những giải pháp “chưa từng có”, nhằm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, chuyển hướng kịp thời chiến lược phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%, là “điểm sáng” trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Nông nghiệp phát triển ổn định; dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh sau dịch COVID-19. Sản xuất công nghiệp tuy tăng trưởng chậm lại trong những tháng đầu năm 2023 nhưng đã chuyển biến tích cực hơn.
Nhiều vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp, dự án đầu tư được xử lý hiệu quả; đã trình Bộ Chính trị thông qua phương án xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả (đến nay một số dự án đã bắt đầu có lãi), các ngân hàng kiểm soát đặc biệt; tháo gỡ khó khăn, đưa vào vận hành các dự án, nhà máy sau nhiều năm bị gián đoạn. Tập trung xử lý các vấn đề bộc lộ, mới phát sinh của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Bội chi ngân sách nhà nước 3 năm ước ở mức 3,6% GDP, trong phạm vi mục tiêu đề ra (3,7% GDP). Các chỉ tiêu an toàn nợ công 3 năm 2021-2023 dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39-40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quốc hội khóa XV đã tổ chức 4 kỳ họp bất thường để xử lý, giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…