Ngân hàng “áp đảo” thị trường trái phiếu
Tháo gỡ “điểm nghẽn” để thị trường trái phiếu bước vào giai đoạn mới Phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn |
Ngân hàng chiếm hơn 90%
Giới phân tích đánh giá, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn khi bước sang quý IV khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính, FiinGroup cho rằng, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp, trái phiếu ngân hàng có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có thể nhận được lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, với thanh khoản tốt và sự đa dạng các lựa chọn về kỳ hạn và lợi suất.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, thời gian qua nhiều ngân hàng đã và đang phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn với lãi suất cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Đơn cử như BVBank vừa chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) thông qua phương thức phát hành trực tiếp tại các điểm giao dịch của ngân hàng. Tổng số lượng chào bán là 56 triệu trái phiếu, dự kiến phát hành 6 đợt. Trong đó, đợt 1 là 15 triệu trái phiếu, chỉ cần từ 10 triệu đồng, khách hàng cá nhân đã có thể mua và nắm giữ trái phiếu BVBank để hưởng mức sinh lợi cao.
Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân BVBank chia sẻ, trái phiếu BVBank là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả bởi trái phiếu do chính BVBank chào bán sẽ được đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký & Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và niêm yết trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sau khi kết thúc đợt chào bán. Ngân hàng hy vọng sẽ mang đến thêm cho khách hàng cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả và minh bạch.
VPBank cũng vừa phát hành lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2024 với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định là 5,5%/năm. Ngoài phát hành trái phiếu trong nước, trong năm 2024 hoặc quý I/2025, VPBank cũng cho biết dự kiến phát hành trái phiếu quốc tế bền vững theo hình thức riêng lẻ cho một số nhà đầu tư. Mục đích phát hành để cấp tín dụng cho các phương án, dự án, nhu cầu tài trợ đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội đủ điều kiện theo khung trái phiếu bền vững của ngân hàng.
Năm 2024, Agribank đã chào bán thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng |
Một NHTM Nhà nước là Agribank cũng đã thông báo chào bán thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024, phân phối đến hơn 5.000 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Để gia tăng tính thanh khoản của trái phiếu Agribank trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sở hữu nắm giữ trái phiếu Agribank, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và VSDC, ngân hàng cho biết sẽ triển khai tiếp các thủ tục lưu ký, niêm yết trái phiếu công chúng Agribank 2024 để trái chủ có thể thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cầm cố… và thực hiện các giao dịch khác theo quyền.
Kênh đầu tư an toàn, hiệu quả
Theo giới phân tích, các ngân hàng đang tăng cường phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, cũng như nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu được đẩy mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp và tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc. Theo số liệu thống kê mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 16/8/2024, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023.
FinnRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có một năm bận rộn hơn các năm trước kia. Nhóm chuyên gia cũng dự báo ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn nửa cuối 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hiện đang có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. “Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu”, FinnRatings cho biết.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển nhận định, trái phiếu ngân hàng là một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả nếu so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường ở thời điểm hiện tại. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của NHTM Nhà nước khoảng 4,7%/năm; của các NHTM cổ phần khoảng 5-5,5%/năm. Trái phiếu ngân hàng và gửi tiết kiệm tương tự nhau vì bản chất đều là cho ngân hàng vay tiền và ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó. Việc nhận tiền khi đáo hạn cũng tương tự rút tiền từ tài khoản tiết kiệm sau khi hết hạn gửi.
“Đầu tư vào trái phiếu ngân hàng đòi hỏi nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian dài hơn gửi tiết kiệm thông thường. Mua trái phiếu ngân hàng an toàn, ít có tính rủi ro so với các kênh đầu tư khác. Nếu cần vốn, khách hàng cũng có thể cầm cố, thế chấp trái phiếu để vay tiền trả lại tại chính ngân hàng phát hành nên tính thanh khoản vẫn cao”, TS. Đinh Thế Hiển nói.