Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lâm nghiệp, thủy sản
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn Agribank sẽ giảm 0,5% lãi suất các khoản cho vay mới Giảm lãi suất cần cộng hưởng chính sách kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng |
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nền kinh tế đang ở giai đoạn hết sức khó khăn, tín dụng tăng trưởng rất chậm... Trong bối cảnh đó, NHNN luôn theo dõi, phân tích sát với tình hình để đưa ra những chính sách điều hành phù hợp với thực tế.
Với nền kinh tế có quy mô nhỏ nhưng độ mở lại rất lớn nên hai lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm kinh tế và xung đột địa chính trị trên thế giới. Thị trường trong nước đối với 2 lĩnh vực này cũng rất khó khăn.
Những khó khăn trên đã được Chính phủ nhận định rõ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo chung (Thông báo số 167/TB-VPCP), trong đó yêu cầu NHNN nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi có giá trị 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, hôm nay, NHNN tổ chức buổi làm việc để trao đổi, thống nhất về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167 về tín dụng đối với doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thuỷ sản.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, thời gian qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất.
Trong những tháng đầu năm 2023, NHNN đã 3 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, với mức giảm từ 0,5 - 1,5%. Trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn tăng cao, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho thấy sự nỗ lực lớn của NHNN hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành nhiều giải pháp/chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã ổn định và có xu hướng giảm, lãi suất cho vay mới bình quân khoảng 9,25%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), trong khi lãi suất huy động bình quân là 6,21%/năm…
Các TCTD đã thực hiện tích cực và quyết liệt các chỉ đạo về tín dụng và lãi suất của NHNN; xây dựng rất nhiều chương trình sản phẩm, dịch vụ dành cho các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm sản và thủy sản được nhận mức lãi suất rất ưu đãi; thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh như: Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Việc triển khai chính sách này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng có thời gian thu xếp các nguồn tài chính, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ ngân hàng...
Mặc dù, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp nhưng trước diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, việc mở rộng tín dụng của hệ thống TCTD gặp nhiều khó khăn do sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế giảm khi các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn giảm chi tiêu mua sắm. Do đó, tính đến ngày 16/5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,72% so với cuối năm 2022. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt dư nợ trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng với thủy sản đạt trên 211.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,09%; dư nợ đối với lĩnh vực lâm sản đạt trên 189.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2022…
Các ngân hàng đã vào cuộc tích cực
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, là ngân hàng phục vụ tam nông nên dư nợ cho vay lĩnh vực này luôn chiếm 65-70%/tổng dư nợ của Ngân hàng. Tính đến ngày 15/5, dư nợ tín dụng cho vay thủy sản đạt 59.000 tỷ đồng; đối với lĩnh vực lâm nghiệp, dư nợ cho vay đạt 55.000 tỷ đồng.
Đối với cho vay thủy sản, bà Bình cho biết, trước khó khăn chung, ngân hàng chủ động triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Song, bản thân ngân hàng rất mong muốn đẩy mạnh cho vay thủy sản nhưng dưới hình thức cho vay chuỗi. Bởi trong thời gian qua, ngân hàng này kẹt lượng vốn tương đối lớn khi 70% dư nợ cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản là nợ xấu.
Đại diện BIDV thì cho biết đến nay, dư nợ cho vay lâm sản và thủy sản tại ngân hàng này đạt khoảng 88.000 tỷ đồng, với khoảng 381 khách hàng có dự nợ là các tổ chức. Mặc dù nợ xấu trung bình của hai lĩnh vực này cao hơn trung bình nhưng đại diện BIDV cho biết, trước những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, BIDV vẫn thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp trong ngành và áp dụng những chính sách hỗ trợ như những năm trước. Đồng thời, ngân hàng cũng chủ động triển khai hoãn, giãn nợ giúp doanh ngiệp vượt qua khó khăn. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, BIDV tiếp tục xem xét giảm lãi suất thêm 0,5% đối với USD và khoảng 1% đối với VND. Đồng thời, xem xét cụ thể các khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, đến hết quý I/2023, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank là 408 nghìn tỷ đồng, chiếm 3-5% trong dư nợ tín dụng; dư nợ của các ngành thuỷ sản, lâm nghiệp, khai thác muối… tại thời điểm cuối năm 2022 là 163 nghìn tỷ đồng, hiện nay là 155 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục thúc đẩy, chỉ đạo trong việc mở rộng ngành hàng, trong đó có ngành hàng thuỷ sản, gỗ lâm sản… Tuy nhiên, khó khăn đầu ra ách tắc, giá nguyên liệu đầu vào tăng, cước vận tải biển tăng 30% so với đầu năm.
"NHTM không thể cấp bù được. Chúng tôi không thay đổi khẩu vị nhưng theo sát, đánh giá nhu cầu của thị trường. Tuy tín dụng có giảm chút nhưng chúng tôi cố gắng duy trì dư nợ không giảm theo cấp độ giảm chung của ngành", ông Cường chia sẻ và đề xuất, các doanh nghiệp cần tìm cách đa dạng hoá thị trường để chống đỡ, không tập trung vào một thị trường. Cũng như ngân hàng, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần tăng khả năng dự báo...
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao NHNN trong việc khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 167. Ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai giảm lãi suất cho các doanh nghiệp trong các ngành lâm sản, thủy sản.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản nói riêng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết các chính sách được ngành Ngân hàng đưa ra thời gian qua góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp vơi bớt khó khăn.
Tuy nhiên, kể từ quý IV/2022 đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn, hàng tồn kho lớn do không xuất khẩu được đơn hàng vì sự suy giảm cầu từ các thị trường quốc tế. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, doanh số toàn ngành giảm khoảng 30% (riêng thị trường Mỹ giảm 51%; thị trường châu Âu, Trung Quốc giảm khoảng 30%...).
“Trước những khó khăn hiện nay, VASEP đã đề nghị Chính phủ và NHNN có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn. Mục tiêu của gói này là duy trì sinh kế cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước những khó khăn hiện nay, Bộ sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong việc duy trì và mở rộng thị trường. Đồng thời, Bộ kiến nghị NHNN và các NHTM quan tâm đến kiến nghị của các hiệp hội phát biểu tại buổi làm việc.
Còn theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này đang gặp khó khăn xuất phát từ đơn hàng xuất khẩu giảm, khó khăn dòng tiền, chi phí tăng, tham gia thị trường các nước lại đang tăng cường tính tuân thủ pháp luật, khó khăn về thủ tục hành chính...
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản cần ưu đãi và cơ chế, chính sách
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách.
Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM Nhà nước hay NHTM cổ phần đều phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, cần có những chính sách khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp hai ngành nghề này để giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản.
Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực này, Phó Thống đốc cho rằng nếu so với dư nợ tín dụng của hai lĩnh vực này hiện nay thì quy mô gói tín dụng là quá nhỏ. Hơn nữa, với 10.000 tỷ đồng thì không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay. Do đó, Phó Thống đốc đề nghị không nên giới hạn gói tín dụng này mà cần đặt ra cơ chế tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp duy trì và phát triển.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các NHTM cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho doanh nghiệp, không nên cắt giảm. Nếu trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, TCTD báo lại NHNN để có điều chỉnh.
Về giảm lãi suất và phí, Phó Thống đốc cho biết NHNN đã giảm lãi suất điều hành, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các NHTM chia sẻ lợi nhuận để hạ lãi suất. Đối với các khoản phí, các NHTM nếu giảm được khoản nào thì giảm hẳn, nếu không thì giảm một nửa so với mức phí hiện đang áp dụng.
Phó Thống đốc cũng cho rằng việc hỗ trợ cho 2 lĩnh vực này không chỉ ở phía ngành Ngân hàng, bởi ngành Ngân hàng chỉ liên quan đến vấn đề nguồn lực vốn, mà còn rất nhiều vấn đề cấp thiết khác như: phải có thị trường tiêu thụ, phải có thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước… những việc này thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành khác. Các doanh nghiệp phải tham gia chuỗi giá trị, tạo sự ra hỗ trợ lẫn nhau. Vấn đề ứng dụng công nghệ cũng rất quan trọng đối với hai lĩnh vực này, hay vấn đề tăng thêm khả năng dự trữ và tạm trữ vì nó là sản phẩm mùa vụ…
Để triển khai được những việc trên, Phó Thống đốc cho biết sau buổi làm việc này, NHNN sẽ ban hành văn bản chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng, đồng thời có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và gửi tới các bộ, ngành.
Phó Thống đốc đề nghị các hiệp hội có thông báo tới các thành viên trong hiệp hội về tinh thần chung được đưa ra tại buổi làm việc.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không có nhu cầu nhận thì cũng thông báo bằng văn bản để NHNN nắm được.
“Rất mong các hiệp hội vận động các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm để tránh được các rủi ro, khi đó các ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay hơn và lãi suất cho vay cũng sẽ thấp hơn so với không có bảo hiểm”, Phó Thống đốc bày tỏ.
Phó Thống đốc đánh giá rất cao trách nhiệm của các NHTM trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản, thuỷ sản.
Phó Thống đốc tin tưởng rằng, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, toàn Ngành sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp tín dụng để hỗ trợ ngành lâm sản, thuỷ sản cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp 2 lĩnh vực này vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167.