Nghị định 52: Thúc đẩy phát triển dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích
Theo đó, ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhận định, Nghị định 52 là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Theo Phó Thống đốc, nhìn lại chặng đường đã qua, giai đoạn năm 2015-2016, tỷ lệ người dân mở tài khoản thanh toán ở Việt Nam chỉ ở mức 31% còn hiện tại con số này đã đạt 87%, cho thấy mức tăng trưởng vượt bậc. Bên cạnh đó, nếu vào năm 2019, Việt Nam có 1 tỷ giao dịch/năm thì hiện tại đã có 9 tỷ giao dịch/năm, cho thấy sự phát triển với quy mô lớn của thanh toán số. Trong đó, có ngân hàng đã đạt tỷ lệ khách hàng cá nhân giao dịch trên kênh số đạt 99% và tỷ lệ khách hàng tổ chức đạt trên 80%.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó là những mối nguy cơ và thách thức mới đặt ra liên quan đến vấn đề an toàn, bảo mật. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của dịch vụ thanh toán là vô cùng cần thiết.
Trình bày cụ thể, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, mục tiêu ban hành Nghị định 52 nhằm góp phần bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia; đồng thời, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán nhằm tạo sự minh bạch trong giao dịch tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Về một số điểm mới, ông Tuấn cho biết, Nghị định có bổ sung một số quy định mới về tiền điện tử như: định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Ngoài ra, Nghị định 52 cũng bổ sung một số quy định mới về thanh toán quốc tế. Cụ thể, làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế (Điều 3); vai trò quản lý nhà nước của NHNN đối với thanh toán quốc tế (Điều 4); quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế (Điều 5); quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều kiện để được chấp thuận (Điều 5, Điều 21…).
Nghị định 52 cũng bổ sung một số hành vi bị cấm như: mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử để hoạt động phi pháp, các hành vi liên quan đến dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán…
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán (Điều 9-16); bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối vơi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (Điều 18-20); sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng đã giải đáp những thắc mắc của các TCTD, trung gian thanh toán xoay quanh Nghị định 52 để đảm bảo thực thi một cách đầy đủ, hiệu quả.
Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Nghị định 52, các đơn vị NHNN cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó tập trung, khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Nghị định số 52 đảm bảo đúng tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần chủ động, khẩn trương rà soát Điều lệ, hệ thống văn bản quy định nội bộ… của tổ chức mình để sẵn sàng sửa đổi, bổ sung, thay thế đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định 52. Có các hình thức phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ cán bộ, nhân viên trong hệ thống của mình nắm được quy định mới của Nghị định 52. Đối với một số quy định mới của Nghị định 52 gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể, các tổ chức phải xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định 52.