Phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm đạt và vượt 7%
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương - Ảnh: VGP |
Kinh tế chuyển biến tích cực, dù còn nhiều thách thức
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) trong tháng 9, quý III và chín tháng đầu năm 2024 đã có những chuyển biến tích cực. Quý III, tăng trưởng GDP ước đạt 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết 01 (6,7%). Tăng trưởng GDP trong 09 tháng đầu năm đạt 6,82%. Nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch COVID-19, với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI.
Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực, trong khi các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Các chương trình tín dụng 09 tháng đã hỗ trợ vay vốn cho trên 1,8 triệu đối tượng, tạo việc làm cho hơn 533 nghìn lao động. Làm tốt công tác ứng phó khẩn cấp, hỗ trợ người dân với tinh thần không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; trong đó, đã kịp thời xuất cấp 432,6 tấn gạo cứu đói, hỗ trợ giống cây trồng, hóa chất khử trùng, khử khuẩn... để giúp Nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3.
Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm Quý III lần lượt là 2,24% và 1,87%, giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hộ dân đánh giá thu nhập được cải thiện tháng 9 đạt 96,2%, cao hơn cùng kỳ (94,1%). Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên cả nước tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Phấn đấu tăng trưởng Quý IV/2024 khoảng 7,6-8%
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước tác động biến động rất phức tạp, khó lường từ bên ngoài. Trong đó, các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt hơn nữa để cải thiện, tháo gỡ. Cụ thể về phía cung, bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc. Do đó cần đẩy mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ để sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng Quý IV và đầu năm 2025.
Về phía cầu, tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm; nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 09 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%). Xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới; áp lực cạnh tranh từ các nước có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu tương đồng với Việt Nam gia tăng. Do đó, thị trường trong nước cần được quan tâm, thúc đẩy, khai thác hiệu quả hơn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay sức mua trong nước qua chín tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc thực hiện mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn; các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả.
Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do bên ngoài. Áp lực lạm phát tiếp tục cần được theo dõi sát, nhất là biến động nguồn cung, giá dầu, hàng hóa thế giới. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lớn.
Thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kinh doanh... chưa triệt để; công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa thống nhất.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các ngành, lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chíp, bán dẫn… chưa thực sự chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới nếu không đổi mới về tư duy, kịp thời có cơ chế, chính sách, nguồn lực bố trí để thực hiện một cách đột phá.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường... vẫn là thách thức lớn. Thiên tai, bão lũ, thiếu nước, xâm nhập mặn… diễn biến khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tình hình an ninh, trật tự ở một số địa bàn, tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, lừa đảo qua mạng… còn phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP |
Trên cơ sở kết quả Quý III, 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng Quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.
Đề xuất này dựa trên các yếu tố: (1) Xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn; (2) Đầu tư của khu vực nhà nước phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; (3) Các điểm sáng về thu hút FDI và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực; (4) Thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa; đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; (5) Ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới; (6) Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là 02 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong Quý IV để giúp tăng trưởng cả nước vượt 7%.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, chúng ta còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, do nhiều nguyên nhân như tình hình kinh tế thế giới còn bấp bênh, hậu quả bão số 3, những vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính còn những rào cản, đời sống một bộ phận người dân, nhất là sau bão lũ còn khó khăn…
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV còn rất nặng nề trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; do đó, phải bám sát, đánh giá chính xác tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ các thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực.
Thủ tướng yêu cầu nỗ lực hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, chia sẻ những ấn tượng, cảm xúc, những băn khoăn, trăn trở về kết quả, thành tựu và tồn tại, hạn chế trong 9 tháng đầu năm; phân tích nguyên nhân của kết quả, thành tựu và tồn tại, hạn chế, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; rút ra những bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.