Phát triển ngành Ngân hàng: Quyền lợi và trách nhiệm
Đồng lòng về một hệ thống ngân hàng vững mạnh | |
Kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Ngân hàng |
Trụ sở NHNN Việt Nam |
Tháng 8/2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tháng 1/2019, NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược (quyết định số 34/QĐ-NHNN).
Và tuần qua, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động. Ngoài Ban lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục trực thuộc NHNN trung ương; giám đốc chi nhánh NHNN tỉnh thành phố; lãnh đạo tất cả các TCTD, kể cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, đến cả công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô… đều tham dự hội nghị.
Từ những mục tiêu của Chiến lược, NHNN đã cụ thể hóa nhiệm vụ của từng đơn vị trong toàn Ngành với các chỉ tiêu cả về định tính và định lượng. Đơn cử, mục tiêu gần nhất đặt ra cho các TCTD phấn đấu đến cuối năm 2020: Các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên); Có ít nhất từ 1 đến 2 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á; Tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 12-13%; Hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTMCP trên thị trường chứng khoán Việt Nam; Nâng mức vốn pháp định đối với quỹ tín dụng nhân dân; Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý)…
Có thể thấy, thông qua những chỉ tiêu này các đơn vị trong toàn Ngành đều biết cần phải đi đâu, làm gì. Nói như vậy không có nghĩa NHNN áp đặt một cách máy móc, mà mỗi đơn vị đều xây dựng chiến lược phát triển của đơn vị mình và đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với định hướng chung trong Chiến lược của toàn Ngành.
Quan điểm của NHNN khi xây dựng Chiến lược cũng như Chương trình hành động của Ngành thực hiện Chiến lược là bám sát các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 cũng như các quan điểm, đường lối chính sách khác được nêu tại các nghị quyết, quyết định của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Khẳng định vai trò của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế và phù hợp với các xu thế biến đổi của kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Khẳng định hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong cấu trúc tổng thể của hệ thống tài chính Việt Nam.
Ổn định hoạt động ngân hàng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững, và phải được bảo đảm bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.
Việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuôn khổ pháp lý liên quan tới hoạt động tiền tệ và ngân hàng phải phù hợp với nguyên tắc thị trường, chỉ sử dụng các can thiệp mang tính hành chính trong những hoàn cảnh đặc biệt, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai, cạnh tranh và phù hợp với những thông lệ quốc tế tốt nhất. Hệ thống các TCTD, gồm mọi thành phần kinh tế, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Trong đó, các TCTD nhà nước đóng vai trò chủ lực, chủ đạo; các TCTD ngoài nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc huy động và phân bổ vốn tín dụng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhà nước, thông qua vai trò NHNN, kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường. Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân phát triển trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Nhà nước chỉ can thiệp hành chính trực tiếp trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng khi phát sinh nguy cơ mất ổn định thị trường tiền tệ, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng, có khả năng đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô…
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, để thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ phối hợp của các bộ, ngành liên quan, thì quan trọng hàng đầu là quyết tâm, nỗ lực của ngành Ngân hàng…
Không phải ngẫu nhiên mà yêu cầu đầu tiên trong mục tổ chức thực hiện Chương trình hành động là triển khai công tác thông tin tuyên truyền. Yêu cầu cơ bản, hàng đầu của Chương trình hành động là quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm đổi mới và phát triển cũng như các mục tiêu mà chiến lược đề ra để thống nhất hành động trong toàn ngành Ngân hàng… Có thể nói, việc đồng lòng, quyết tâm triển khai chiến lược là quyền lợi và trách nhiệm của từng đơn vị và mỗi cá nhân trong ngành Ngân hàng.