Quản trị dữ liệu đảm bảo ba trụ cột: Tổ chức, quy trình chia sẻ, công nghệ
Quản trị dữ liệu thúc đẩy tăng trưởng | |
Xem xét ứng dụng Big Data trong quản trị dữ liệu | |
Ngân hàng hướng tới khai thác quản trị dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng |
Tại Việt Nam, khái niệm quản trị dữ liệu đã xuất hiện khá sớm, trên thực tế có không ít các nhà băng đã và đang dần quan tâm hơn tới công tác khai thác và quản trị dữ liệu. Khảo sát của PwC năm 2019 cho thấy, 88% lãnh đạo NHTM Việt Nam cho rằng quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều ngân hàng đã thành lập các bộ phận quản lý dữ liệu như: BIDV thành lập bộ phận MIS & ALCO từ năm 2008, thành lập Trung tâm ngân hàng số cuối năm 2019, và đang chuẩn bị thành lập Trung tâm phân tích kinh doanh và quản lý dữ liệu. VPBank thành lập Trung tâm Phân tích Kinh doanh (BICC) từ năm 2013; VietinBank thành lập Hội đồng Quản lý Dữ liệu từ năm 2019. Đi cùng với đó, nhiều giải pháp công nghệ để thực hiện quản lý dữ liệu hiệu quả cũng được các ngân hàng triển khai: VietinBank với Dự án Kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW); VPBank hợp tác với IBM xây dựng cơ sở dữ liệu lớn; MB hợp tác với Infosys, Amigo triển khai dự án kho dữ liệu tập trung và công cụ báo cáo quản trị (Data Warehouse)…
Có cơ chế chia sẻ minh bạch, rõ ràng sẽ làm tăng giá trị của dữ liệu |
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, quá trình để xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu còn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Ông Lê Minh - Kiến trúc sư dữ liệu mở của Công ty M_service (ví điện tử MoMo) có chia sẻ, thách thức khi làm việc với dữ liệu trong ngân hàng là có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; khó để truy xuất và tìm hiểu, nhiều “di sản” khó kế thừa...
Nói thêm về lý do tại sao ngân hàng cần kiến trúc dữ liệu, ông Minh nhận thấy các ngân hàng hướng tới hai mục tiêu. Thứ nhất là nhằm xử lý vấn đề dữ liệu phức tạp, trong đó cần xây dựng cấu trúc dữ liệu lớn từ những cấu phần nhỏ, giúp các cấu phần dữ liệu có thể “làm việc” được với nhau, và đảm bảo mọi người sử dụng chung một ngôn ngữ. Điểm thứ hai là giúp cho việc thay đổi trở nên khả thi hơn, giúp cho ngân hàng có thể thay đổi nhanh, ít bị gián đoạn, giảm rủi ro về chi phí; giúp cải tiến dễ dàng và thực tế hơn; kết nối được giá trị dữ liệu với lợi ích kinh doanh của ngân hàng.
Bà Irene Liu - Phó tổng giám đốc PwC Singapore cho biết, các ngân hàng thường tiếp cận quản trị dữ liệu theo hai phương pháp: đổi mới sáng tạo - tự động hoá quy trình kinh doanh, kiểm soát dữ liệu để phục vụ mục đích tuân thủ và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Là một trong những ngân hàng đẩy mạnh triển khai dự án EDW (Enterprise Data Warehouse - kho dữ liệu doanh nghiệp) khá bài bản, ông Trần Hồng Thắng - Giám đốc Dữ liệu VietinBank cho hay, để tạo nên thành công của dự án thì một trong những yếu tố đầu tiên là cần phải được một lãnh đạo cao cấp đảm nhiệm và chịu trách nhiệm chỉ đạo xuyên suốt trong cả quá trình triển khai vì EDW là một dự án đặc thù và phức tạp, liên quan tới hầu hết các hệ thống thông tin, các lĩnh vực nghiệp vụ, các đơn vị trong ngân hàng. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, Dama Việt Nam cũng cho rằng trong quản trị dữ liệu việc đầu tiên phải bắt đầu từ người lãnh đạo, người lãnh đạo phải làm gương, chỉ đạo sát sao thì các cấp độ bên dưới mới triển khai được.
Một điểm nữa cũng cần phải đề cập là thường khi nói tới dữ liệu, hầu hết ngân hàng sẽ nghĩ ngay đó là vấn đề của kỹ thuật, nhưng đây là một nhận định sai lầm và là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong triển khai EDW. Sự thành công của dự án EDW phụ thuộc rất lớn vào bộ phận nghiệp vụ trong tổ chức hay nói cách khác, bộ phận nghiệp vụ chính là người quyết định tới sự thành công hay thất bại của EDW.
Theo chuyên gia, khung quản trị dữ liệu sẽ gồm ba trụ cột chính: tổ chức, quy trình chia sẻ, công nghệ. Câu hỏi đặt ra là nên chăng có một nền tảng (platform) chia sẻ dữ liệu một cách thuận tiện và an toàn? Giám đốc dữ liệu của một NHTM cho rằng, dữ liệu mang lại giá trị lớn cho DN. Nếu dữ liệu cát cứ thì sẽ hoàn toàn vô nghĩa, không mang lại lợi ích gì cả. Trên thế giới, nhiều quốc gia thành lập những luật yêu cầu về chia sẻ dữ liệu, vì chỉ khi chia sẻ thì mới tận dụng được giá trị dữ liệu mang lại, từ đó ứng dụng giá trị trong hoạt động kinh doanh. Chia sẻ dữ liệu cũng là phù hợp với nền tảng công nghệ số. “Để dữ liệu cho các ngân hàng, doanh nghiệp chia sẻ được tường minh hơn, thì yêu cầu đặt ra là phải có hành lang pháp lý quy định rõ ràng cho việc chia sẻ cũng như kết nối dữ liệu với nhau. Cùng với đó, phải đưa ra được những quy định tiêu chuẩn về mặt kết nối, cũng như quy định về chất lượng dữ liệu.
Ông Trần Hồng Thắng chia sẻ, nhân viên ngân hàng nếu được tiếp cận dữ liệu nhiều hơn thì đổi lại rủi ro sẽ tăng. Nên cần phải có nội quy rất chặt chẽ, đơn cử như việc sau khi ngân hàng có nền tảng hạ tầng dữ liệu cần xem xét bảo mật dữ liệu theo ba hướng: chính sách (phân loại dữ liệu; dữ liệu nhạy cảm rủi ro cho khách hàng phải được xác định), văn hoá: tuyên truyền trong nội bộ, giảm rủi ro về mặt đạo đức; ứng dụng công nghệ kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hay học máy (machine learning).