Quản trị dữ liệu: Không chỉ nằm ở công nghệ
Vụ hacker rao bán khoảng 17GB dữ liệu cá nhân trên mạng đã một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường số. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, trong đó có hệ thống các ngân hàng đang tích luỹ ngày càng nhiều dữ liệu của khách hàng. Dữ liệu của khách hàng được sử dụng ngày càng nhiều cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ gây thiệt hại cho phía khách hàng, hay ngân hàng, mà còn ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường tài chính. Bảo vệ dữ liệu của khách hàng là một trong những nội dung quan trọng của quá trình thực hiện định hướng chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống các TCTD.
Quản trị dữ liệu là yêu cầu thiết yếu trong hoạt động của các NHTM. Giải pháp chung được đưa ra đối với hầu hết các NHTM Việt Nam là đổi mới công nghệ để lưu trữ và cung cấp những thông tin cần thiết trong hoạt động của ngân hàng. Nhưng một chuyên gia tài chính cho rằng, điều này là chưa đủ để giúp các ngân hàng thật sự tận dụng được thế mạnh của dữ liệu mang lại trong hoạt động kinh doanh cũng như an ninh an toàn.
Ảnh minh họa |
Theo bà Irene Liu - Phó Tổng Giám đốc PwC Singapore, thực tế hiện nay tại Việt Nam các ngân hàng hiện tiếp cận việc quản trị dữ liệu theo hai phương pháp chủ yếu: đổi mới sáng tạo, tự động hoá quy trình kinh doanh và kiểm soát dữ liệu để phục vụ mục đích tuân thủ, cải thiện hiệu quả hoạt động. “Thẳng thắn mà nói thì năng lực quản trị dữ liệu dù đã có sự tiến bộ vượt bậc ở nhiều nhà băng, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn để có thể đáp ứng kịp thời các nhu cầu kinh doanh và tuân thủ. Vấn đề ở đây không chỉ là sự đầu tư tương xứng về các giải pháp công nghệ mà quản trị dữ liệu trong ngân hàng phải xuất phát từ tư duy chiến lược, nhận thức về giá trị của nguồn tài nguyên này, và cả về đạo đức nữa bởi không có công nghệ nào có thể thay thế 100% con người”, vị này chia sẻ.
Chia sẻ từ kinh nghiệm triển khai Dự án Kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) của VietinBank, ông Trần Hồng Thắng - Giám đốc dữ liệu VietinBank cho hay, sự thành công của EDW phụ thuộc rất lớn vào bộ phận nghiệp vụ trong tổ chức; hay nói cách khác, bộ phận nghiệp vụ chính là người quyết định đến sự thành công hay thất bại của EDW. Cũng theo ông Thắng, đội ngũ triển khai phía ngân hàng cần được trang bị đầy đủ kiến thức liên quan đến EDW và BI (hệ thống tri thức doanh nghiệp) để giám sát, đánh giá và tiếp nhận sản phẩm bàn giao, vận hành hệ thống sau chuyển giao; đội ngũ của đối tác phải có kiến thức chuyên môn chuyên sâu, am hiểu lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng và có kinh nghiệm triển khai phù hợp. Nguồn lực triển khai cần phải đảm bảo tính ổn định trong suốt quá trình triển khai dự án.
Còn với vấn đề pháp lý, theo các chuyên gia, NHNN cần có quy định và chế tài yêu cầu các TCTD tích hợp các điều khoản về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu người dùng vào chính sách các sản phẩm dịch vụ, minh bạch, công khai các điều khoản cũng như điều kiện cung cấp các sản phẩm dịch vụ đối với khách hàng. Bên cạnh đó có các chính sách nội bộ về quyền riêng tư dữ liệu và bảo vệ dữ liệu, có các điều khoản ràng buộc quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu đối với bên thứ ba hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ.
Việt Nam mặc dù chưa có khuôn khổ pháp lý về ngân hàng mở, nhưng thực tế có ngân hàng đã mở API để kết nối với các công ty trung gian thanh toán, thương mại điện tử… Như BIDV, VietinBank, OCB, VPBank, TPBank… đều rất tích cực mở API cho Fintech: BIDV và OCB đã mở hơn 30 - 40 API, VietinBank cũng cung cấp khoảng 130 API…
Theo IDC, đến giữa năm 2021, 50% các quyết định cho vay trong ngân hàng bán lẻ sẽ được hỗ trợ bởi lợi ích từ Fintech, thị trường cũng sẽ chứng kiến sự tăng tốc hợp tác giữa các ngân hàng và lĩnh vực tiềm năng này. Tuy vậy các API hiện nay mới chỉ là các kết nối song phương giữa ngân hàng và các đơn vị, chưa có một tiêu chuẩn chung thống nhất…
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), triển khai ngân hàng mở đòi hỏi phải rà soát, áp dụng và tuân thủ các quy định liên quan về bảo vệ dữ liệu khách hàng, bảo vệ quyền riêng tư. Việt Nam chưa có văn bản pháp lý ở cấp độ Luật hay Nghị định điều chỉnh riêng và toàn diện hai vấn đề cốt lõi này liên quan đến ngân hàng mở. NHNN cũng đang trong quá trình nghiên cứu để đề ra định hướng ngân hàng mở, đồng thời xác định ngân hàng mở với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam để từ đó ban hành những quy định, hướng dẫn, khuyến nghị phù hợp nhất. Cơ quan quản lý cũng đang nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.