Quảng Bình: Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở giáo dục
Hội thảo là dịp để các đại biểu tham dự chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục ở Quảng Bình. Ngân hàng và doanh nghiệp cùng chia sẻ những giải pháp hỗ trợ cơ sở giáo dục vượt qua khó khăn đang gặp phải...
Ông Lương Hải Lưu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình cho biết, thời gian gần đây, ngành Ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của NHNN trong công tác thanh toán đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số. Theo đó, NHNN chi nhánh Quảng Bình đã tích cực chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của ngành Ngân hàng liên quan đến chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền, đặc biệt là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền trong thanh toán học phí, viện phí.
Đến ngày 31/8/2024, có 144 cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình thanh toán học phí và các khoản phải thu không dùng tiền mặt có kết nối hệ thống với ngân hàng, chiếm gần 30% các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Các chi nhánh ngân hàng cũng đã ký kết hợp đồng với 71 cơ sở giáo dục và dự kiến triển khai sau khi bắt đầu năm học mới.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn Quảng Bình. |
Trước đó, các TCTD ở Quảng Bình đã triển khai làm việc với các địa phương, phòng Giáo dục, gửi thư ngỏ đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn; làm việc trực tiếp với các hiệu trưởng, kế toán nhà trường; tuyên truyền cho thầy cô, phụ huynh, học sinh… Đồng thời, sử dụng các kênh truyền thông như website, mạng xã hội… để giới thiệu, đăng tải những tiện ích mà dịch vụ thu hộ ngân hàng mang lại.
Đồng thời, các đơn vị cũng đã phối hợp với một số đơn vị cung ứng giải pháp thanh toán, trong việc kết nối và cung ứng hệ thống tối ưu giữa ngân hàng và nhà trường. Ngân hàng và đơn vị cung ứng dịch vụ cũng tổ chức đào tạo, hướng dẫn, phổ biến cách sử dụng phần mềm cho đội ngũ kế toán của nhà trường. Bên cạnh đó, bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách để đồng hành cùng nhà trường trong quá trình sử dụng hoặc nếu phát sinh lỗi hệ thống…
Theo đại diện VietinBank Quảng Bình, chi nhánh đã giới thiệu với các phòng giáo dục, nhà trường các ứng dụng các phương thức thanh toán và các lợi ích khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại nhà trường. Đồng thời, đến các trường học giới thiệu các tiện ích, các thức sử dụng cho giáo viên và phụ huynh/học sinh.
Sử dụng các kênh truyền thông như website, Zalo OA chính thông của VietinBank để hướng dẫn các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đến các người dân. Công tác triển khai thanh toán học học phí và các lệ phí giáo dục không dùng tiền mặt từ năm 2022 đến nay, chi nhánh đã triển khai thành công tại 56 trường với tổng số lượng 151.154 lượt giao dịch, giá trị thanh toán 124,2 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượt giao dịch đạt 98.964 lượt và giá trị thanh toán đạt 79,1 tỷ đồng.
Ông Lương Hải Lưu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình phát biểu tại hội thảo. |
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình chia sẻ, cùng với chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập, thời gian qua, đơn vị cũng tập trung đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện những khoản thu, chi trong các nhà trường.
Qua đó, tạo sự công khai, minh bạch, tiến tới số hóa trường học, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành. Ngành Giáo dục và Đào tạo ở địa phương cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền, như, tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro phát sinh trong giao dịch tiền mặt (thu thừa, thiếu, nhầm lẫn khi thu, phát hiện tiền giả, tiền rách, hỏng)…
Tuy nhiên, hiện ở Quảng Bình cũng như các địa phương khác trong cả nước vẫn còn tình trạng các cơ sở giáo dục có tâm lý e ngại khi chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nguyên nhân do là hình thức thanh toán mới nên đòi hỏi bộ phận nghiệp vụ phải có trình độ, kỹ năng để ứng dụng công nghệ thông tin; thói quen sử dụng tiền mặt; chưa mang tính bắt buộc nên còn ngại thay đổi và tiếp cận nghiệp vụ mới… Bên cạnh đó, phụ huynh/học sinh phải có tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử để thanh toán do đó ở một số địa bàn vùng xa/ miền núi nơi có ít điểm giao dịch ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai.
Cũng theo đại diện VietinBank Quảng Bình, một số giáo viên, phụ huynh, hoặc học sinh chưa quen với các phương thức thanh toán mới và có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng. Nhiều phụ huynh có thể chưa hiểu rõ về lợi ích của việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoặc cảm thấy không thoải mái với sự thay đổi.
Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo và NHNN chi nhánh Quảng Bình ký kết kế hoạch phối hợp. |
Trước những khó khăn trên, để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục ở địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cần tập trụng chỉ đạo, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trong giáo dục và đào tạo; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt…
Về phía NHNN chi nhánh Quảng Bình, ông Lương Hải Lưu khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các ứng dụng, mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông để thanh toán những khoản tiền nhỏ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở giáo dục ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chỉ đạo các ngân hàng ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; nghiên cứu, áp dụng chính sách phí ưu đãi hợp lý cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo…
Trong khi đó, đối với các TCTD trên địa bàn cũng nghiêm túc triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của NHNN chi nhánh Quảng Bình, đặc biệt trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí. Đề xuất, xây dựng các ứng dụng, mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cân đối tình hình hoạt động tại đơn vị để nghiên cứu, áp dụng chính sách phí ưu đãi hợp lý cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thành lập đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ưu tiên bố trí cán bộ nghiệp vụ hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở địa phương.