Tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Truyền thông là một kênh truyền dẫn hiệu quả của chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng |
Về phía NHNN có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc NHNN; đồng chí Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN; đồng chí Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc NHNN.
Về phía Đài Truyền hình Việt Nam có đồng chí Lê Ngọc Quang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Nhằm thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia và các Đề án của Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là VTV triển khai nhiều hoạt động truyền thông giáo dục tài chính và phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp với hình thức sáng tạo, ấn tượng và để lại dấu ấn trong lòng công chúng, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, niềm tin của công chúng đối với hoạt động ngân hàng, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, mang tới những lợi ích to lớn cho cộng đồng và xã hội.
Thông tin một số kết quả phối hợp giữa NHNN và VTV, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Lê Thị Thuý Sen cho biết: Các chương trình truyền thông giáo dục tài chính “Những đứa trẻ thông thái”, “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khóa” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, một số đại biểu Quốc hội đánh giá cao về tính thiết thực, giúp thay đổi hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, có ý nghĩa xã hội và mức độ lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Đặc biệt, các chương trình giáo dục tài chính của NHNN cũng nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế. Theo khảo sát của Vụ Truyền thông, có khoảng 90% số người được hỏi (gồm đại diện lãnh đạo các vụ, cục NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; lãnh đạo các NHTM) đều đánh giá cao mức độ thiết thực của nội dung chương trình, phần lớn trong số đó đều cho rằng chương trình thực sự có ý nghĩa, đóng góp tích cực vào hiệu quả truyền thông chính sách ngành Ngân hàng.
Đối với công chúng, các chương trình truyền thông giáo dục tài chính “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khóa” ngày càng nhận được sự quan tâm, thu hút khán giả xem truyền hình trong cả nước, thể hiện qua tỷ lệ người xem (rating) đạt mức cao so với các chương trình truyền hình khác.
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang cho biết, công tác phối hợp giữa NHNN và VTV sẽ có những bước phát triển mới |
Có thể nói, việc truyền thông giáo dục tài chính cho cộng đồng trong các chương trình thể hiện sự chủ động, sáng tạo của NHNN trong công tác truyền thông chính sách, giúp công chúng hiểu đúng các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng, được đông đảo công chúng đánh giá cao, nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Nguyên tắc thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khóa” đều trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng và giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm, góp phần nâng cao niềm tin của công chúng đối với hoạt động ngân hàng, đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Ngoài phát sóng trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV3, các chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khóa” còn được phát lại trên các nền tảng truyền thông số của VTV và mạng xã hội (như Facebook, Youtube), thu hút đông đảo người xem và nhận được những phản hồi, tương tác tích cực.
Trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính, có bốn cái khó đặt ra là “khó nhớ - khó tiếp thu - khó áp dụng - khó lan tỏa”. Để hóa giải những khó khăn trên, các chương trình truyền thông giáo dục tài chính của NHNN đã áp dụng giải pháp “4 dễ”, bao gồm: “dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm - dễ lan tỏa” từ nội dung đến hình thức thể hiện, để công chúng dễ dàng nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn và có tính lan tỏa trong cộng đồng.
Lãnh đạo NHNN và VTV chúc mừng các tập thể và cá nhân của ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp đối với hoạt động truyền thông giáo dục tài chính và phổ biến, giáo dục pháp luật |
Thông qua các chương trình truyền thông, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Đơn cử như trong chương trình “Tay hòm chìa khóa” lần đầu tiên giới thiệu các nội dung về thông tin tín dụng ngân hàng (Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC; Khai thác báo cáo tín dụng khách hàng vay, Mô hình Chấm điểm tín dụng thể nhân, Hướng dẫn khách hàng vay tìm hiểu các gói vay an toàn).
Sau ba số phát sóng của Chương trình (vào các ngày 20/8; 27/8 và 3/9), số liệu thống kê của CIC cho thấy, số lượng đăng ký tài khoản cá nhân mới trong tháng 8/2021 tăng 30% so với tháng trước; số lượng khai thác báo cáo của CIC cũng đã cải thiện đáng kể (cụ thể, từ 23/8 đến 10/9, trung bình một ngày CIC ghi nhận lượt khai thác báo cáo tăng gần 30% so với trung bình của tuần trước đó); số lượng đăng ký nhu cầu vay trên Cổng thông tin CIC trung bình một ngày tăng gần 28%. Các số liệu về số tài khoản được duyệt, số lượng khai thác báo cáo và số đăng ký nhu cầu vay (cá nhân) sau chương trình cũng đã tăng lên so với trước khi chương trình phát sóng…
Phát biểu tại buổi Tổng kết, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN nhấn mạnh: Tổng hợp kinh nghiệm của các NHTW trên thế giới có thể thấy, các NHTW đều đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông và coi công tác truyền thông như là một kênh truyền dẫn hiệu quả của chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Với Việt Nam, mỗi khi tổng kết những thành tựu của ngành Ngân hàng, lãnh đạo NHNN luôn đánh giá vai trò rất quan trọng của công tác truyền thông.
Đánh giá việc truyền thông pháp luật qua VTV là rất hiệu quả, Thống đốc cho rằng các chương trình như “Tiền khéo tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khoá”… với cách thiết kế dễ hiểu, sử dụng nhiều hình thức truyền tải mới mẻ, sáng tạo, đặc biệt nội dung mang tính thời sự đã thu hút và tạo sự lan tỏa rất tốt trong công chúng.
“Đây là buổi tổng kết rất có ý nghĩa, bởi NHNN được Chính phủ giao cho xây dựng và đã công bố Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Mục tiêu đặt ra là triển khai Chiến lược này thế nào để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của mọi người dân, với những đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, người nghèo…, thực hiện chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ cũng như định hướng về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tín dụng đen. Các chương trình này cũng đã được thực tiễn chứng minh là rất hiệu quả, cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới”, Thống đốc nhấn mạnh.
Nhân dịp tổng kết, đánh giá, động viên, khích lệ những đơn vị, cá nhân đã rất tích cực tham gia vào việc thực hiện, sản xuất các chương trình truyền thông, thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN cùng hệ thống ngân hàng, Thống đốc trân trọng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ của Đài Truyền hình Việt Nam thời gian qua đã giúp cho NHNN, các đơn vị trong hệ thống hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ, thực hiện các bước tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Thống đốc mong muốn, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đài Truyền hình Việt Nam trong việc phổ biến chính sách, thực tiễn hoạt động ngân hàng để doanh nghiệp và người dân hiểu, thực hiện đúng chính sách của NHNN ban hành, tránh tác động mang tính tâm lý kỳ vọng.
Thống đốc NHNN trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân của VTV |
Chia sẻ tại buổi tổng kết, đồng chí Lê Ngọc Quang - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cũng khẳng định, hoạt động phối hợp truyền thông giữa NHNN với các cơ quan báo chí, trong đó có VTV đã được duy trì và đạt hiệu quả tốt trong thời gian vừa qua.
Theo đồng chí Lê Ngọc Quang, lĩnh vực ngân hàng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các đồng chí lãnh đạo của NHNN cũng rất quan tâm tới công tác truyền thông, coi đây là mặt trận quan trọng đồng hành với việc triển khai các chính sách. Các cơ quan báo chí nhờ đó có điều kiện tiếp cận với nguồn thông tin chính thống để cung cấp thông tin cho người dân.
Tổng Giám đốc VTV tin tưởng, với cách thức tổ chức như hiện nay, trong thời gian tới, việc phối hợp giữa hai đơn vị sẽ có những bước phát triển mới, đạt được hiệu quả sâu rộng hơn. Đồng thời mong muốn có sự nghiên cứu, đổi mới và cải tiến để nâng cao chất lượng chương trình theo hướng hay hơn, hấp dẫn hơn, dễ đi vào đời sống của người dân.
“Vì nhiều lý do khác nhau, một bộ phận người dân ít có điều kiện tiếp cận tới thông tin về lĩnh vực ngân hàng nên cần có cách phối hợp truyền thông đơn giản, dễ hiểu, sinh động, hiệu quả. Việc sơ kết, rút kinh nghiệm cũng nên được nhân rộng trong thời gian tới. VTV cam kết tiếp tục đồng hành với NHNN và các TCTD để phối hợp truyền thông đạt hiệu quả tốt, sâu rộng hơn”, Tổng Giám đốc VTV khẳng định.
Cũng tại buổi tổng kết, để ghi nhận những đóng góp cho ngành Ngân hàng trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính và phổ biến pháp luật, Thống đốc NHNN đã trao Bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân thuộc VTV; 11 tập thể và 04 cá nhân thuộc NHNN đã tham gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động này.