Tăng trưởng tín dụng đi đúng hướng
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/4 | |
Tín dụng tăng khoảng 2,28%, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định |
Chảy mạnh vào lĩnh vực ưu tiên
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, đến ngày 25/3/2019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018, tập trung chủ yếu cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Chất lượng, hiệu quả tín dụng được nâng lên còn quan trọng hơn con số tăng trưởng tín dụng |
Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng năm nay tăng tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng điều đó cũng được dự đoán trước. Vì ngay từ đầu năm nhà điều hành đưa ra thông điệp tăng trưởng tín dụng ở mức chỉ là 14% thay vì 17% như năm trước.
“Nếu so với mục tiêu và xét quy luật mùa vụ những tháng đầu năm tín dụng thường tăng trưởng thấp thì tốc độ tăng trưởng là hoàn toàn phù hợp, cũng cho thấy sự ổn định của nền kinh tế cũng như hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng”, một chuyên gia bình luận.
Trong cuộc họp báo mới đây, một lần nữa, cơ quan điều hành lý giải định hướng tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm trước phù hợp mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo đó, các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng… phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ mục tiêu này. NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, tương đương mức tăng 13,98% năm 2018.
Hơn nữa, hiện tỷ lệ tín dụng so với GDP đang khá cao. Nếu như năm 2016 tín dụng đạt 122% GDP, đến năm 2017 lên 130% GDP, năm 2018 NHNN đã điều hành kiểm soát theo hướng không để tỷ trọng này tăng lên mà duy trì ở mức 130% GDP – lãnh đạo NHNN cho biết thêm và nhấn mạnh chất lượng tín dụng là điều NHNN luôn yêu cầu các NHTM đặt lên hàng đầu, có như vậy mới đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống.
Liên quan đến cảnh báo của tổ chức quốc tế, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm, trong quá trình làm việc, trao đổi với Standard & Poor về điều hành tín dụng, họ cho rằng cách thức của NHNN là rất phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng bổ sung, trong bối cảnh vừa phải kiểm soát lạm phát dưới 4% lại phải đối mặt áp lực mở rộng tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng NHNN vẫn kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn so với yêu cầu đặt ra.
“Theo khuyến cáo IMF tại các nước đang phát triển, trung bình mỗi năm tín dụng không nên tăng quá 14%. Vì vậy, mức độ tăng trưởng tín dụng của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 là rất hợp lý. Quan trọng là dòng chảy tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát các lĩnh vực tín dụng tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, BOT...”, vị này chia sẻ quan điểm về điều hành tín dụng.
Trên thực tế, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng tích cực, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Đơn cử, tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%... Qua con số tăng trưởng tín dụng trên cho thấy, dòng chảy tín dụng trong quý I/2019 phản ánh những giải pháp của NHNN vừa “đúng” và “trúng” với chủ trương của Chính phủ.
Tiếp tục kiểm soát chất lượng
Tăng trưởng GDP quý I/2019 chỉ đạt 6,79%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,38% của quý I năm ngoái. Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng giới chuyên môn cho rằng không được kích thích tăng trưởng thông qua đẩy mạnh tín dụng mạnh bởi điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng, nền kinh tế. Rủi ro nhìn rõ nhất đó là hệ số an toàn vốn của các ngân hàng bị đe dọa. Nhiều ngân hàng nhất là các NHTM có vốn nhà nước đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nên nếu mở rộng tín dụng mà vốn không tăng theo kịp chắc chắn rủi ro sẽ tăng theo.
Đối với điều hành tín dụng trong giai đoạn hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa bảo lưu quan điểm NHNN cần phải thực hiện chính sách kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng gắn liền với kiểm soát cung tiền như năm 2018; nhất là trong năm 2019 dự báo còn nhiều khó khăn hơn năm 2018 khi kinh tế toàn cầu suy giảm…
“Năm 2018, cách điều hành này đã giúp NHNN đạt nhiều mục đích. Tôi hy vọng, dù sức ép như thế nào đi chăng nữa, cơ quan điều hành thể hiện sự bản lĩnh cũng như khẳng định tính chuyên nghiệp cao hơn trong quản trị tiền tệ để chính sách tiền tệ tiếp tục có một năm thành công”, TS. Nghĩa kỳ vọng.
Cũng như mọi năm, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD. Nhưng điểm khác năm nay là NHNN ưu tiên chỉ tiêu ở mức cao hơn đối với các TCTD thực hiện trước hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất là khoảng 15%, còn lại hầu hết các NHTMCP khác được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 12%.
Nhất trí với biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bám sát vào hệ số an toàn vốn, lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất thêm, xem xét tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn Nhà nước để đảm bảo không đụng trần chỉ số an toàn vốn cũng là giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
“Đây là những ngân hàng chủ lực, trong khi yêu cầu vốn của nền kinh tế rất nhiều vì vậy nên xem xét đề xuất tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước”, vị này nhấn mạnh nhưng đề xuất thêm: Về lâu dài, cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn tín dụng từ ngân hàng mà thúc đẩy các kênh dẫn vốn dài hạn; bởi nguồn vốn từ ngân hàng chỉ là nguồn vốn ngắn hạn.
Đồng tình với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14% cũng như điều hành chính sách tín dụng mang tính chất thị trường nhiều hơn, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất thêm NHNN có thể cân nhắc bãi bỏ hạn mức tín dụng đối với từng NHTM mà chuyển sang cơ chế điều hành áp dụng chặt chẽ hơn các yêu cầu về hệ số CAR. Với cách làm này, các ngân hàng sẽ tự cân đối lựa chọn khu vực cho vay để tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng
Ngay cả bản thân các ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn mức chung của hệ thống cũng tỏ ra thận trọng khi thực hiện tăng trưởng tín dụng. “Mục tiêu của ngân hàng là tăng chất lượng tín dụng chứ không chạy theo số lượng tín dụng. Do vậy, mức độ tăng như thế nào phải tính toán dựa trên khẩu vị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng chứ không tăng ào ào được”, một CEO ngân hàng khẳng định.