Thị trường gọi xe công nghệ: Thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng
Sau hơn 7 năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam từ giai đoạn chưa được định danh rõ ràng, đến nay đã có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35%/năm. Dù vậy, thị trường này vẫn được đánh giá là chưa phát triển hết tiềm năng vì nhiều yếu tố.
Một số chuyên gia đánh giá, sự xuất hiện của một số ứng dụng gọi xe kết nối tài xế với khách hàng đã làm thay đổi bộ mặt của ngành vận tải. Cơ hội phát triển đầu tiên cho thị trường gọi xe trực tuyến (ride-hailing) hay “gọi xe công nghệ” tại Việt Nam xuất phát từ năm 2014 khi hai ứng dụng gọi xe trực tuyến là Grab và Uber cùng lúc tham gia vào thị trường. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm mô hình mới này tại một số địa phương với 10 đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm kết nối đăng ký tham gia.
Cần tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường gọi xe công nghệ |
Theo ông Đinh Văn Minh, chuyên viên Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), sự ra đời của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 86/2014/NĐ-CP là một cú huých cho sự phát triển của các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo đó, việc cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô đối với cả loại hình xe taxi và xe hợp đồng tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, cạnh tranh minh bạch, lành mạnh và bình đẳng giữa các chủ thể có hoạt động kinh doanh vận tải, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Nhờ đó, sau 7 năm phát triển, dịch vụ gọi xe trực tuyến đã có sự lan tỏa mạnh mẽ với mức độ phổ biến ngày càng rộng rãi đối với người dân Việt Nam với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời. Báo cáo nghiên cứu về nhu cầu sử dụng taxi/xe ôm truyền thống và công nghệ do Q&me vừa thực hiện cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt Nam sử dụng loại hình di chuyển mới. Hiện tại, có tới 49% người dùng cho biết thường xuyên sử dụng dịch vụ ô tô trên các ứng dụng gọi xe trực tuyến còn số người sử dụng taxi truyền thống chỉ 23%. Đối với dịch vụ xe hai bánh, tỷ lệ người dùng các ứng dụng lên tới 50% và chỉ còn 13% người lựa chọn sử dụng các loại hình truyền thống.
Theo đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thị trường này đạt doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35%/năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay. Dự báo của Google và Temasek, thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng bình quân hơn 40%/năm; đến năm 2025, thị trường này có thể đạt giá trị 4 tỷ USD. Do đó, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng lớn, được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Statista, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam là Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%, chỉ 1% thị phần dành cho các hãng còn lại. Do đó, cơ hội phát triển, mở rộng thị phần của các "tân binh" trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam như Fastgo, Tada, Vato, Mygo... càng thêm nhỏ hẹp. Thực tế một trong số "tân binh" của thị trường là Fastgo đã từng có kế hoạch "lấn sân" sang kết nối cho thuê xe tự lái từ tháng 4/2021 thay vì tiếp tục phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ. Hoặc một số ứng dụng buộc phải tồn tại nhờ vào các thị trường ngách như ứng dụng Tada chủ yếu phục vụ cộng đồng người Hàn Quốc tại quận 7 và các quận trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh.
Bà Trần Phương Lan, Trưởng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, đối với thị trường gọi xe công nghệ thì rào cản tài chính là rất lớn. Những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính khó có thể tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh thành công trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến. Ngoài ra, hiệu ứng mạng lưới gián tiếp giữa các nhóm người dùng trên nền tảng và dữ liệu người dùng cũng được các cơ quan cạnh tranh ưu tiên xem xét khi đánh giá sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường gọi xe công nghệ.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho rằng, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các ứng dụng gọi xe trực tuyến buộc phải hoạt động gián đoạn. Để bù đắp khoản thâm hụt doanh số trong thời gian đó, không ít các ứng dụng gọi xe trực tuyến liên tục ứng dụng công nghệ mới để bổ sung các tiện ích, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dân trong mùa dịch. Do đó, cuộc đua tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới không chỉ khốc liệt về cạnh tranh phí dịch vụ, mà còn về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ.
Để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, đã đến lúc cần tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi và công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ; khuyến khích quá trình chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thông qua các ưu đãi thuế hay ưu đãi về thanh toán trực tuyến, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm.