Tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư “sáng giá”
Đầu tư tiết kiệm năng lượng vì mục tiêu bảo vệ môi trường Nửa cuối năm, đầu tư vào đâu để ổn định sinh lời lại thêm “hời” quà tặng? |
Trong đó, tiền gửi của người dân đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi người dân đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, những con số trên khẳng định tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư “sáng giá” dù lãi suất tiền gửi đã chạm đáy vào tháng 3 và được nhích dần lên từ tháng 4/2024.
Hiện tín dụng đang dần cải thiện và tính đến cuối tháng 5/2024 dư nợ cho vay đối với nền kinh tế tăng 6% so với đầu năm 2024. Vì thế, các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm để huy động vốn, chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng tăng dần trong mùa cao điểm cuối năm. Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 7 của Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cho thấy trong tháng 6, một số NHTM đã điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng dao động trong khoảng 0,1% - 0,5 %/năm.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh giữ lãi suất kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức 4,7%/năm. Đáng chú ý, VietinBank là ngân hàng duy nhất điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng 6 khiến lãi suất trở nên vượt trội hơn so với các ngân hàng còn lại trong nhóm. Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng từ 0,5 đến 1%/năm trước áp lực việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi.
Có thể thấy, tiền gửi hệ thống ngân hàng lập kỷ lục cho thấy kênh gửi tiết kiệm vẫn duy trì sức hấp dẫn. So sánh tiềm năng giữa các kênh đầu tư trong nửa cuối năm 2024, TS. Châu Đình Linh, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phân tích, hiện tại, bối cảnh thế giới có khá nhiều biến động sẽ tác động đến thị trường trong nước. Do đó các nhà đầu tư sẽ rất cân nhắc lựa chọn kênh để “rót tiền”. Đối với thị trường bất động sản, đây vốn là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao và đem lại lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản tuy đã có tín hiệu khởi sắc nhưng chưa đồng đều ở tất cả phân khúc mà chỉ sôi động hơn đối với chung cư, còn lại vẫn vướng mắc cả về cung và cầu, nhất là về nhu cầu thực của người dân chưa được đáp ứng.
Về trái phiếu, đây là kênh có tỷ suất sinh lời tốt, nhưng lòng tin đối với thị trường này chưa được cải thiện nhiều. Trái phiếu gần như không còn là lựa chọn của đại đa số các nhà đầu tư. Đối với chứng khoán, thời gian qua thị trường này đón nhận dòng tiền đổ vào khá lớn và có nhiều điểm sáng tích cực trong năm nay. Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực đầu tư dành cho số đông, mà phải là những người có trình độ, am hiểu nhất định về thị trường thì mới dám “xuống tiền”. Một kênh đầu tư khác đang khá được quan tâm đó là vàng. Đã có khoảng thời gian giá vàng trong nước liên tục tăng và cao hơn giá thế giới, nhưng sau hàng loạt giải pháp điều hành của NHNN, thị trường vàng đã ổn định. Tuy nhiên, thị trường này vẫn có nhiều biến số và người dân phải rất thận trọng với kênh đầu tư khá rủi ro này ở thời điểm hiện tại.
Từ phân tích trên, TS. Châu Đình Linh nhận định, tiết kiệm vẫn sẽ là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền ở hiện tại và trong thời gian tới. Đây là kênh đầu tư dành cho mọi người dân, người dân sẽ được “kê cao gối ngủ” bởi trong bất kỳ tình huống nào, tiền gửi của họ luôn được đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng. Mặt khác, hàng loạt ngân hàng cũng đang điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tăng ở nhiều kỳ hạn để thu hút tiền gửi sau một thời gian dài giữ ở mức thấp.
Đặc biệt cùng với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các ngân hàng đã dành nhiều ưu đãi cho kênh gửi tiết kiệm online để thu hút khách hàng với nhiều hình thức như cộng lãi suất, tặng quà... Đối với tiết kiệm online, yếu tố an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của người dân. Hiện nay, các ngân hàng đã áp dụng công nghệ sinh trắc học tiên tiến để bảo vệ an toàn cho các giao dịch của khách hàng.
Tuy là kênh đầu tư “sáng giá” nhưng các chuyên gia nhấn mạnh lãi suất không phải là yếu tố cạnh tranh duy nhất. Ngoài lãi suất, các ngân hàng cạnh tranh bằng dịch vụ an toàn, tiện lợi, tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng, cá nhân hoá theo từng nhóm khách hàng. Đồng thời, tích cực áp dụng các công nghệ hiện đại vào số hoá sản phẩm, dịch vụ, đa dạng các sản phẩm tiền gửi một cách linh hoạt, tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác đi kèm, có như vậy mới giữ chân được dòng tiền ở lại với ngân hàng.