Tín dụng lâm, thủy sản kịp cho mùa cao điểm
2 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 6,28 tỷ USD Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh |
Tăng cung tín dụng, giảm lãi suất
Theo ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cho vay nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản đang được các TCTD thúc đẩy khá mạnh.
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, hệ thống ngân hàng tại địa phương này đã cho vay khoảng 65.800 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, riêng lĩnh vực thủy sản, do Đồng Tháp là khu vực nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu lớn nhất cả nước nên nguồn tín dụng được các ngân hàng tập trung rất mạnh.
“Ước tính đến cuối tháng 8/2023 đã có khoảng 12.800 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay vào lĩnh vực này với mức lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Đã có khoảng gần 50 doanh nghiệp và 5.900 hộ nuôi, hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, trong đó có 10 doanh nghiệp thủy sản được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”, ông Phong cho biết.
Riêng đối với chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay theo Công văn số 5631/NHNN-TD, theo ông Phong, thời gian vừa qua chi nhánh NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng duy trì hạn mức tín dụng đã cấp cho các doanh nghiệp để đảm bảo cho hoạt động nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, chế biến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, như tôm, cá tra, cá basa. “Vừa qua, ngành Ngân hàng địa phương cũng đã tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp nhằm giải đáp các thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi đối với ngành thủy sản. Trong buổi gặp này, 13 chi nhánh NHTM tại Đồng Tháp đã cam kết sẽ đồng hành với khách hàng”, ông Phong thông tin thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Phú Hải, Giám đốc Agribank chi nhánh Cà Mau cho biết, hiện nay Agribank đang dành hạn mức 3.000 tỷ đồng để cho vay theo Công văn số 5631/NHNN-TD, ngoài ra tất cả các khoản vay nông sản, thủy sản đều được ưu đãi lãi suất theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và chương trình ưu đãi tài trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thế, nguồn vốn lãi suất thấp không thiếu, luôn đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.
Theo Văn phòng Agribank Tây Nam bộ, hiện nay dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản tại hệ thống ngân hàng này đạt khoảng 59.000 tỷ đồng với gần 142.900 khách hàng - chủ yếu là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ngoài hạn mức 3.000 tỷ đồng cho vay riêng đối với các công ty thủy sản, lâm sản, hiện các chi nhánh Agribank cũng đang triển khai song song chương trình tín dụng ưu đãi xuất nhập khẩu dành cho các doanh nghiệp nông sản (lúa gạo, thủy sản, cà phê, đồ gỗ, mỹ nghệ…). Quy mô gói tín dụng này khoảng 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất và hỗ trợ phí giao dịch. Vì vậy, có thể nói nguồn tín dụng lãi suất thấp dành cho các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói chung khá dồi dào.
Tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản xuất khẩu tại nhiều địa phương đạt 15.000-20.000 tỷ đồng trong các quý đầu năm 2023 |
Cần thêm hỗ trợ khác để doanh nghiệp vực dậy
Ông Dương Quốc Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, thời gian qua Chính phủ và NHNN liên tục đưa ra các cơ chế chính sách gỡ khó tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đây là những chính sách kịp thời và vô cùng cần thiết bởi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, sau giai đoạn “gồng gánh” khó khăn thời kỳ Covid-19 hiện nay đa số đều cạn tài sản thế chấp và hết hạn mức tín dụng.
“Việc các ngân hàng vừa hỗ trợ giãn thời hạn trả nợ vừa đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất đã tạo điều kiện khá tốt để các doanh nghiệp có thể tranh thủ vay nguồn vốn tín dụng mới nhằm thu mua nguyên liệu chuẩn bị cho các đơn hàng dịp lễ, tết cuối năm”, ông Nghĩa nhận định.
Theo NHNN Việt Nam, chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông- lâm - thủy hải sản đến nay đã có 13 NHTM tham gia cho vay từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Lãi suất cho vay của chương trình này thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất thông thường các ngân hàng cho vay. |
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, từ đầu quý III, tình hình xuất khẩu thủy sản đã có nhiều khởi sắc về đơn hàng và thị trường. Nhiều doanh nghiệp sau nửa đầu năm khó khăn, hiện đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khá, tuy nhiên vẫn gặp khó về dòng tiền xoay vòng. Vì vậy, lúc này các ngân hàng hỗ trợ giãn thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1-2% là rất đáng quý, do các doanh nghiệp đều đang vào giai đoạn thu mua nguyên liệu cao điểm để chuẩn bị cho các đơn hàng dịp Noel và Tết Dương lịch 2024.
Ở lĩnh vực lâm sản, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù vẫn còn doanh nghiệp đang phải thực hiện các khoản dư nợ cho vay theo lãi suất cũ, nhưng đã có một số doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường. Các ngân hàng cũng căn cứ vào uy tín của doanh nghiệp cũng như đơn hàng xuất khẩu để áp dụng những hạn mức tín dụng phù hợp. Vì vậy, có thể nói nếu được hỗ trợ vốn kịp thời các doanh nghiệp ngành đồ gỗ sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận đáng kể ở quý cuối năm.
Song song với việc hỗ trợ vốn tín dụng, ông Lập cũng cho biết, hiện nay ngành gỗ và lâm sản vẫn còn hơn 6.100 tỷ đồng chưa được hoàn thuế do việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu gỗ giữa các bộ còn chậm trễ. Vì thế, ngành thuế các địa phương cần thúc đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng để các doanh nghiệp bổ sung dòng tiền lưu động, trang trải các chi phí nhân công và nguyên liệu phục vụ đơn hàng xuất khẩu vào các tháng sắp tới.