TP. Hồ Chí Minh: Tổng mức bán lẻ năm 2024 ước tăng 10,9%
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng cho người dân.
Bên cạnh đó, việc được tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng.
Song song đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai côn tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm… Lượng hàng bình ổn của TP. Hồ Chí Minh tăng từ 4-6% so với năm 2023, chiếm từ 21-32% thị phần trong các tháng thường của năm và chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết đã đủ sức chi phối, điều tiết thị trường trên địa bàn.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 230 chợ, 3 chợ đầu mối, 267 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và hơn 3000 cửa hàng tiện lợi đã khiến cho hệ thống phân phối duy trì đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Dự báo hoạt động thương mại hàng hóa trên thị trường TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. |
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, ngành công thương thành phố cho biết những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu như vấn đề địa chính trị khiến giá cước vậy tải, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao, thói quen tiêu dùng thay đổi trong môi trường lãi suất cao tại các nước đối tác thương mại, lộ trình tăng giá điện ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nguồn cung điện chưa ổn định.
Tuy nhiên, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đánh giá hoạt động thương mại xuất nhập khẩu trong thời gian tới vẫn có khả năng tăng trưởng với tổng kim ngach xuất nhâp khẩu của doanh nghiêp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2024 ước đạt 46,8 tỷ USD tăng 10% (năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 8,64%).
Theo đó, lãnh đạo ngành công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết xuất khẩu có tín hiệu khả qua khi triển vọng kinh tế từ 2 nước đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời tăng trưởng tồn kho tại Mỹ và EU chạm đáy, kỳ vọng số đơn hàng xuất khẩu sẽ cải thiện khi các quốc gia này chủ động tăng trưởng hàng tồn kho. Hơn thế, các yếu tố nội tại khác như Việt Nam nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản và việc áp dụng tốt các hiệp định FTA sẽ gián tiếp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
“Năm 2024, xuất khẩu của thành phố vẫn đang trong xu hướng hồi phục, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may nhận đủ đơn hàng đến quý 3 và quý IV/2024. Tuy lo ngại thiếu đơn hàng do nhu cầu từ các nền kinh tế lớn chưa phục hồi dù vậy, hoạt động thương mại hai quý cuối của năm 2024 với xuất khẩu hy vọng vẫn bứt phá mạnh mẽ”, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh dự báo.